Nghị quyết 68/NQ-CP: Thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp đứng vững

20:09' - 27/08/2021
BNEWS Chiều 27/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ tổ chức giải ngân số tiền gần 230 triệu đồng hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên may Phú Cường, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba.

Nhằm kịp thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu kép, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, chiều 27/8, tại huyện Thanh Ba, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ tổ chức giải ngân số tiền gần 230 triệu đồng hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên may Phú Cường, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba.

Đây là doanh nghiệp thứ tư được hưởng gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ thực hiện giải ngân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Trong niềm vui phấn khởi vì nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên may Phú Cường cho biết, công ty thường xuyên tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là may mặc, gia công hàng dệt may xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ khi dịch COVID – 19 bùng phát, khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn, nguyên liệu đầu vào không nhập khẩu được dẫn đến các dây truyền sản xuất ngừng hoạt động khiến một số lao động thời vụ đã phải tạm thời nghỉ việc.

Để duy trì nguồn nhân lực sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty vẫn phải duy trì một số lao động có tay nghề làm việc cầm chừng và phải chi trả lương hàng tháng.

Đối với những lao động tạm thời nghỉ việc công ty vẫn phải trả lương tối thiểu để giữ lao động; đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Sau khi dịch được khống chế, công ty sẽ gọi những lao động này vào làm tiếp tại công ty.

“Trong thời điểm khó khăn, công ty được cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động đến tận nơi tiếp cận, tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ. Xét thấy doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn vay gần 230 triệu đồng một cách thuận lợi.

Sau khi được nhận gói hỗ trợ của Chính phủ, công ty sẽ nhanh chóng triển khai chi trả lương cho người lao động để họ duy trì sinh hoạt hàng ngày, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất tại công ty", bà Hằng chia sẻ thêm!

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, đến hết ngày 27/8, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ đã nhận được hồ sơ đề nghị vay vốn từ 6 đơn vị sử dụng lao động với số tiền dự kiến hơn 690 triệu đồng để trả lương và phục hồi sản xuất cho trên 220 lượt người lao động.

Trong đó, có 5 đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc cho 212 lượt người lao động với số tiền trên 659 triệu đồng và 1 đơn vị vay vốn để phục hồi sản xuất cho 10 lượt người lao động với số tiền gần 31 triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân cho 4 đơn vị, doanh nghiệp với 132 lượt người lao động được hỗ trợ với số tiền trên 419 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông... để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhánh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động trên địa bàn; hướng dẫn người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhánh chóng, thuận lợi và hiệu quả.

Như vậy, Nghị quyết 68/NQ-CP như một “cánh cửa” mở ra đúng lúc, đúng thời điểm để người lao động và người sử dụng lao động có được những cơ hội trong lúc khó khăn, thể hiện một quyết sách đầy tính nhân văn, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Các chính sách thiết thực và phù hợp này không chỉ giúp người lao động và người sử dụng lao động có thêm nguồn lực chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn thực sự trở thành điểm tựa để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức trụ vững, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục