Cần Thơ sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh

19:52' - 23/01/2020
BNEWS Cần Thơ sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh, các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh để phục vụ phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Được xem là một trong những mũi đột phá giúp Cần Thơ tăng tốc phát triển, xứng đáng là trung tâm đầu mối giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch tổng thể giao thông vận tải đô thị thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; chiến lược đảm bảo an toàn giao thông thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời, thực hiện Dự án phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của thành phố trong thời gian qua cũng như mục tiêu, định hướng trong thời gian tới để đưa Cần Thơ xứng tầm là đô thị động lực của vùng.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay của thành phố Cần Thơ?

Ông Đào Anh Dũng: Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực Bộ Giao thông Vận tải đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ cả về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, làm cho kết nối giao thông giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh ngày càng thuận lợi, nhanh chóng.

Về đường bộ, các dự án lớn tiêu biểu đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1, Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (kế hoạch hoàn thành năm 2020).

Thành phố Cần Thơ cũng đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư các dự án quan trọng phục vụ kết nối từ trung tâm thành phố đến sân bay Cần Thơ, các cụm cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị…

Về đường hàng không, có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ kết nối giao thông liên vùng và quốc tế.

Đến tháng 1/2020, Cần Thơ đã có 9 đường bay nội địa và 4 đường bay quốc tế từ Cần Thơ đi Kuala Lumpur, Bangkok, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Đối với đường biển, thành phố có cảng Cần Thơ là cảng biển tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại I; trong đó khu bến Cái Cui đã xây dựng hoàn thành bến số 1 và bến số 2 với quy mô tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn…

Từ đó, tạo điều kiện phát triển thành phố Cần Thơ thành điểm tập kết, xuất nhập hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm thiểu chi phí vận tải thay vì phải đi về cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau, tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ để phục vụ vận tải hàng hóa nội vùng, liên vùng và quốc tế qua địa bàn thành phố Cần Thơ.

Phóng viên: Trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua, Cần Thơ đã gặp những khó khăn nào và thành phố đã có giải pháp gì để đạt được mục tiêu có một hạ tầng giao thông vừa hiện đại vừa kết nối hiệu quả trong tương lai?

Ông Đào Anh Dũng: Hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch vẫn còn nhiều nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn.

Cần Thơ đã tăng cường kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào thuộc lĩnh vực này được triển khai theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) do còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng giao thông khó hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư so với các dự án chuyên ngành khác do phải huy động nguồn vốn lớn, việc triển khai phức tạp và thời gian thu hồi vốn dài.

Kết nối giao thông đường bộ còn một số điểm nghẽn làm hạn chế hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, đặc biệt là container đến các cảng biển, khu công nghiệp như: đường cao tốc kết nối Cần Thơ hai đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ chưa có do các dự án xây dựng chưa hoàn thành, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng chưa triển khai đầu tư.

Các trục đường huyết mạch đến cảng biển Cần Thơ hiện nay đã hư hỏng, quá tải nhưng vẫn chưa được nâng cấp, mở rộng.

Cho đến nay, các đầu mối vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn tại các cảng biển, cảng thủy nội địa của Cần Thơ và cả vùng đều chủ yếu thông qua đường bộ, chưa có đường cao tốc và đường sắt.

Với đường biển, dù là cảng đầu mối loại I nhưng cảng Cái Cui của Cần Thơ chưa phát huy tác dụng do hệ thống kho bãi, hậu cần cảng biển chưa đồng bộ nên gặp khó khăn trong thu hút các chủ hàng; luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay đang bị bồi lắng và sạt lở hai bên bờ, một số đoạn không thể lưu thông vì không đạt độ sâu công bố là 6,5m…

Để khắc phục các khó khăn nêu trên, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: tập trung huy động các nguồn vốn trung ương, ngân sách thành phố, vốn vay ODA, kêu gọi đầu từ, xã hội hóa…

Trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt, Cần Thơ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mang tính khu vực qua địa bàn thành phố.

Song song đó, thành phố cũng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì công trình để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác bền vững; nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để giảm giá thành xây dựng, nâng cao chất lượng công trình kết hợp thực hiện tốt công tác quản lý khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông…

Phóng viên: Trong thời gian tới, hạ tầng giao thông của Cần Thơ có định hướng phát triển thế nào, thưa ông?

Ông Đào Anh Dũng: Đối với các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị đầu tư xây dựng mới các tuyến đường bộ cao tốc kết nối liên vùng, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố đạt quy mô lộ giới theo quy hoạch; xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ; hoàn thành luồng cho tàu biển có tải trọng lớn ra vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố…

Đối với các dự án do Cần Thơ quản lý, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh quan trọng đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, đầu tư xây dựng mới các trục đường vành đai, đường trục chính đô thị đạt lộ giới theo quy hoạch, các đường gom đô thị kết nối với trục chính để để kết nối đồng bộ từ quốc lộ đến đường tỉnh, quận huyện.

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống bến, bãi đậu xe và cảng, bến thủy nội địa đáp ứng yêu cầu khai thác và phát triển vận tải; quan tâm nạo vét, nâng cấp đường thủy nội địa để phát huy tốt lợi thế giao thông đường thủy.

Ngoài ra, Cần Thơ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh, các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh để phục vụ phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục