Cần Thơ xây dựng đề án 3.900 tỷ đồng phát triển ngành cơ khí

19:24' - 19/04/2017
BNEWS Đến năm 2020, Cần Thơ phải thành lập thêm ít nhất 100 doanh nghiệp cơ khí so với năm 2015.
Cần Thơ xây dựng đề án 3.900 tỷ đồng phát triển ngành cơ khí. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Tại hội nghị thẩm định Đề án “Quy hoạch phát triển ngành cơ khí của thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" tổ chức vào chiều 19/4, ông Dương Hồng Quân, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Công nghiệp - Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, Cần Thơ cần gần 3.900 tỷ đồng để phát triển ngành cơ khí.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, đơn vị tư vấn cho đề án, hiện quy mô về giá trị sản xuất cơ khí của thành phố Cần Thơ còn nhỏ. Sản phẩm cơ khí của Cần Thơ còn yếu kém về nhiều mặt, chưa xứng đáng với vai trò trong nền kinh tế thành phố và cả vùng.

Trong giai đoạn 2011-2014, giá trị sản xuất cơ khí tăng trưởng âm, xếp cuối bảng thứ hạng cả nước. Tại Cần Thơ, tiềm năng ngành này chưa được khai thác tốt, cơ khí ô tô không đạt hiệu quả mong muốn.
Ông Dương Hồng Quân cho hay, Đề án đặt ra mục tiêu đưa ngành cơ khí Cần Thơ đạt trình độ kỹ thuật, công nghệ tương đương các tỉnh, thành có ngành cơ khí phát triển hàng đầu cả nước; phát triển thêm sản phẩm thay thế nhập khẩu và xuất khẩu; đáp ứng cơ bản nhu cầu trang bị sản phẩm thông dụng cho các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Muốn vậy, đến năm 2020, Cần Thơ phải thành lập thêm ít nhất 100 doanh nghiệp cơ khí so với năm 2015. Tỉnh cần ưu tiên các dự án xúc tiến đầu tư gồm: dự án tạo mẫu nhanh; công nghệ nhiệt luyện và xử lý bề mặt; sản xuất phôi thép đục; chế tạo khuôn rèn, dập phôi; sản xuất máy canh tác nông nghiệp và chế biến nông sản...
"Đặc biệt, để thực hiện thành công đề án, tổng vốn đầu tư cần có đến năm 2030 là 3.845 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 cần 599 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 cần 1.165 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 cần 2.081 tỷ đồng.

Các giải pháp huy động vốn được xác định 70% vốn vay thương mại, 10% vốn nước ngoài và 20% vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ODA cho hạ tầng và đào tạo nhân lực" - ông Quân cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh, ngành cơ khí hiện là khâu phát triển yếu nhất của Cần Thơ.

Trong 10 năm nay, thành phố đã trăn trở tìm giải phát để đưa ngành cơ khí phát triển xứng đáng với vai trò trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đề án này được xây dựng, quy hoạch lại cho sát với tình hình và tính khả thi để có thể phát triển ngành cơ khí nhanh, bền vững; lấy cơ khí hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nhanh các ngành công nghiệp khác trong bối cảnh hội nhập.
Trong chiến lược phát triển, Cần Thơ sẽ hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cơ khí kém chất lượng, không an toàn đối với người sử dụng và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, thành phố sẽ ưu tiên nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng dụng công nghệ sạch và công nghệ thân thiện môi trường cho sản xuất cơ khí…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục