Cần tránh "đầu cơ" trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo

20:06' - 21/10/2015
BNEWS Sau một tháng Việt Nam trúng thầu cung ứng 450.000 tấn gạo cho Philippines, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao.

Tuy nhiên, việc tăng giá lúa gạo đang có dấu hiệu chỉ là “cơn sốt ảo” trong một giai đoạn ngắn có thể khiến giá lúa gạo giảm trong thời gian tới. Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia cần hết sức tránh tình trạng đầu cơ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần vừa qua, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 300-450 đồng/kg so với thời điểm Việt Nam trúng thầu 450.000 tấn gạo cung ứng cho Philippines. Cụ thể, hiện gạo loại thường dao động từ 5.100 – 5.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa dài có giá 5.300 – 5.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.600 – 6.700 đồng/kg, tùy từng địa phương, tăng 300 đồng/kg so với tháng trước.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: Hà Thái/TTXVN

Một số loại gạo khác cũng đã tăng từ 400 đồng/kg trở lên như: gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm hiện có giá 6.500 – 6.600 đồng/kg, tùy chất lượng và địa phương; giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện ở mức 7.500 – 7.600 đồng/kg. Riêng gạo thành phẩm 15% tấm đã tăng 450 đồng/kg, hiện có giá từ 7.350 – 7.450 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Chũng, chủ cơ sở xay xát Út Chũng ở xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi nghe thông tin Việt Nam đã ký kết xuất khẩu gạo sang Philippines và có thể cung ứng cho Indonesia, người dân ở đây đã tự động điều chỉnh giá lúa gạo cao hơn và “neo lúa” để chờ bán giá cao, khiến cho việc thu mua lúa gạo của các thương lái gặp nhiều khó khăn. Trong 10 ngày gần đây, giá gạo tiêu thụ ở các chợ, các cơ sở bán gạo nhỏ lẻ trên địa bàn đã tăng 400 - 500 đồng/kg.

Lý giải việc tăng giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, theo hợp đồng xuất khẩu với Philippines, loại gạo cung ứng cho thị trường này là gạo 15% tấm và 25% tấm. Do đó, ngay khi doanh nghiệp xuất khẩu không có sẵn nguồn hàng này đã “đổ xô” vào thu mua một số loại gạo nguyên liệu như IR504. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gieo trồng vụ 3 và chỉ trồng loại lúa hạt dài, tiêu thụ thị trường nội địa, không phải là thời điểm thu hoạch rộ loại lúa gạo IR504. Điều này đã khiến cho thị trường lúa gạo tăng cao.

Không chỉ loại gạo IR504 tăng cao mà các loại gạo khác cũng “ăn theo” sự kiện này để tăng giá. Theo ông Lâm Anh Tuấn, trước đây, giá gạo lứt ở Sa Đéc (Đồng Tháp) chỉ có giá 6.100 - 6.200 đồng/kg. Thông thường, nếu giá gạo tăng thì chỉ cao hơn từ 200 - 500 đồng/kg, thế nhưng trong ngày 20/10, giá loại gạo này đã tăng lên hơn 7.000 đồng/kg. Đáng lưu ý, trong sáng 21/10, giá loại gạo này lại giảm còn 6.900 đồng/kg. Việc giá gạo lên xuống bất thường như trên, chứng tỏ đây là “cơn sốt giả tạo” và các hộ nông dân cần tỉnh táo, tránh tình trạng neo lúa quá mức.

Hiện sức mua của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xu hướng giảm trở lại. Chỉ doanh nghiệp nào chưa đủ hàng mới thu gom, vì mức giá gạo hiện nay là quá cao, nếu gom vào lúc này doanh nghiệp sẽ không có lãi. Mặt khác, trong 450.000 tấn gạo cung ứng cho Philippines, chỉ có 150.000 tấn giao trong năm 2015, còn lại là giao trong quý I/2016. Trong khi đó, từ tháng Giêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ Đông Xuân, nguồn gạo mới lại khá dồi dào. Do đó, thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ “rớt giá” ngay khi kết thúc hợp đồng cung ứng gạo cho Philippines như những năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương), hiện loại gạo 25% tấm của Việt Nam được chào bán cao hơn so với Thái Lan 15 USD/tấn. Điều này tưởng chừng là cơ hội tốt cho ngành lúa gạo Việt Nam, song theo phân tích của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, người dân không nên quá kỳ vọng vào vấn đề này. Bởi trên thực tế, thương hiệu gạo Việt Nam còn khá non yếu. Đối với các hợp đồng thương mại, với một loại gạo cùng phẩm cấp, gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá thành cao hơn so với gạo Thái Lan. Do đó, việc giá gạo Việt Nam cao hơn so với gạo Thái Lan đang tiềm ẩn nguy cơ sẽ không bán được thêm bất kỳ hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Một số chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, VFA và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cần nâng cao vai trò điều hành trong việc trấn an người dân bớt tâm lý đầu cơ. Đồng thời, không để người dân không ngộ nhận giá gạo Việt Nam cao hơn giá Thái Lan. Để hạn chế “cơn sốt ảo” về giá lúa gạo hiện nay, VFA cũng cần điều chỉnh lại sản lượng xuất khẩu ở các hội viên, doanh nghiệp nào đang tạm trữ loại gạo có thể xuất sang Philippines với số lượng lớn có thể tăng chỉ tiêu trong giai đoạn này. Đối với doanh nghiệp chưa có hàng để họ có thêm thời gian thu gom.

Theo VFA, tính đến hết quý III/2015, các doanh nghiệp hội viên đã ký được hợp đồng xuất khẩu 5,695 triệu tấn gạo các loại; trong đó hợp đồng thương mại chiếm hơn 81%. Về tình hình xuất khẩu, lũy kế từ đầu năm đến ngày 8/10, cả nước đã xuất khẩu được 4,394 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, các doanh nghiệp hội viên của VFA vẫn còn hơn 1,3 triệu tấn gạo đang chờ giao cho đối tác./.

Hứa Chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục