Cần tránh tình trạng "thỏa mãn non", chủ quan phòng, chống dịch bệnh

19:49' - 05/03/2020
BNEWS Thủ tướng yêu cầu cần tránh tình trạng "thỏa mãn non", chủ quan trong tư tưởng và hành động phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Chiều 5/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, hiện nay, tình hình diễn biến dịch bệnh đã lan rộng với 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm COVID-19. Do đó, kết quả chống dịch tích cực của đất nước mới chỉ là bước đầu. Nguy cơ dịch lây lan vào Việt Nam là rất lớn.

Ban Chỉ đạo đề nghị dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài song song với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động bố trí một số cơ sở cách ly để sẵn sàng thu dung, ngoài các cơ sở cách ly do quân đội đã bố trí.

Từ việc hành khách người Nhật Bản dương tính với SARS-CoV-2 đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines ngày 3/3, Bộ Y tế đã có công điện gửi Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cách ly tập trung 51 khách (trong có 1 em nhỏ) và toàn bộ tổ bay.

22 khách nối chuyến cũng được cách ly trước khi làm thủ tục nối chuyến. Lịch trình đi lại của hành khách người Nhật Bản tại Campuchia đang được các cơ quan Việt Nam phối hợp với Nhật Bản làm rõ.

Về trường hợp cô giáo ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nghi nhiễm COVID-19, Ban Chỉ đạo cho biết, cô giáo này có tiền sử đi từ Italia về, 39 tuổi, đi theo đoàn hội thảo gồm 32 người do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Italia từ ngày 22 đến 26/2. Đến ngày 4/3 có triệu chứng sốt, ho, tức ngực, kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tham dự cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Về việc đi học của học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, tính đến ngày 2/3 vừa qua số lượng học sinh đi học THPT là 97%, ngày 3/3 là 98,2%, ngày hôm nay 4/3 là 98,3%. Điều đó cho thấy số lượng học sinh đi học trở lại tương đối đầy đủ.

Đối với các chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao từ Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải được cách ly 14 ngày tại Hàn Quốc và được cơ quan y tế Hàn Quốc kiểm tra, xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Khi vào Việt Nam vẫn phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe, thông báo với cơ quan y tế nếu có các dấu hiệu của bệnh COVID-19.

Đối với 43 chuyên gia Trung Quốc tham gia Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Ban Chỉ đạo đồng ý để nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng phải được kiểm dịch y tế và được cách ly tại khách sạn theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Khách sạn để thực hiện cách ly phải ngoài khu vực đông dân cư và phải được thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt, không để người diện cách ly đi ra ngoài.

Theo Ban Chỉ đạo, đến nay, cả nước đã tiến hành theo dõi, cách ly 92 trường hợp nghi ngờ; Theo dõi sức khỏe (cách ly) gần 16.200 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 416 người cách ly tập trung tại bệnh viện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, sau gần 23 ngày qua, chưa phát hiện ra ca nhiễm COVID-19 mới.

Việc áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong phòng tránh dịch bệnh được triển khai hiệu quả; công tác truyền thông chặt chẽ, kịp thời, mang lại hiệu ứng tốt trong toàn xã hội.

Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tham dự cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập toàn quân trong công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị tốt các cơ sở tiếp nhận người cách ly.

Đề cập đến những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh với sự lây lan nhanh chóng ra nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành "không mệt mỏi, không chần chừ"; "kiên định, kiên quyết hơn trong việc phòng, chống ngăn chặn có hiệu quả COVID-19".

Thủ tướng yêu cầu cần tránh tình trạng "thỏa mãn non", chủ quan trong tư tưởng và hành động phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị cần vận dụng những cách làm mới, phù hợp kịp thời, đặc biệt là phòng, tránh các nguồn lây bệnh biên giới đất liền, hàng không, mầm bệnh tại cộng đồng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp cách ly tập trung, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cơ số cần thiết, các địa phương chuẩn bị các địa điểm để phối hợp tiến hành cách ly.

Về nhiệm vụ song hành là phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng lưu ý các biện pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục những tồn tại yếu kém để thúc đẩy phát triển những ngành, những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế và các ngành có liên quan cần củng cố và chi tiết hóa kế hoạch điều chuyển nhân lực y tế và nguồn lực hỗ trợ khác một cách nhanh chóng và hiệu quả đến các nơi trong tình huống ổ dịch xảy ra. Tiếp tục diễn tập khả năng phản ứng nhanh, tập trung và phối hợp liên ngành, liên địa phương.

Cùng với đó là lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở lẫn nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng, không để tình trạng bất an, không tốt đối với người bị cách ly.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố có phương án huy động một số khách sạn, cơ sở lưu trú để thực hiện việc tổ chức cách ly sử dụng khi cần thiết.

Thủ tướng bày tỏ nhất trí với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo: Dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài song song với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó, trước hết là ở Hàn Quốc và các nước có dịch bệnh bùng phát.

Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ và một số khẩu trang N95, trang phục chống dịch; thành lập Tổ công tác gồm các ngành: Y tế, Công thương, Tài chính để quyết định phương thức mua bán kịp thời, chặt chẽ với tinh thần là đảm bảo nhu cầu cần thiết cho công tác phòng, chống dịch; tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục