Cần xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

14:07' - 06/12/2023
BNEWS Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, việc thiết lập mối quan hệ khăng khít cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Ngày 6/12, tại Trường Đại học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị/hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Hội nghị/hội chợ nhằm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/BCSĐ ngày 08/5/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cầu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thoả thuận hợp tác được ký kết về đào tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với các trường của bộ. Trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thoả thuận hợp tác.

Việc hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho các trường, giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục vụ giảng dạy. Qua đó cũng giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đào tạo giờ không chỉ phục vụ cho các ngành nông nghiệp truyền thống mà cho cả các ngành phục vụ cho nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kinh tế nông nghiệp.

“Cần xã hội hóa đào tạo, kết hợp các doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và tuyển dụng. Các cơ sở đào tạo đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Tham gia hội chợ với nhu cầu tuyển sinh, bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Hải Phong chia sẻ, doanh nghiệp tuyển dụng đa dạng các ngành hàng, nhưng riêng nông nghiệp thường là kỹ thuật, thực phẩm, khách sạn, nhà hàng… Mỗi năm đơn vị thường đưa khoảng 1.000 – 1.200 sinh viên cao đẳng và đại học sang Nhật Bản học tập và làm việc. Chất lượng các sinh viên được đào tạo tại Việt Nam cũng tương đương và đáp ứng được với nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Đơn vị đang có 2 hình thức tuyển dụng với sinh viên đã ra trường và sắp ra trường. Với sinh viên sắp ra trường thì có thể lựa chọn thực tập ở trong nước hoặc tại Nhật Bản, để kết hợp đào tạo về chuyên môn, tay nghề và ngôn ngữ. Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ trở lại Nhật Bản làm việc.

Để sinh viên có thể làm việc tốt tại nước ngoài, theo bà Trần Thị Hiền, các trường cần đầu tư bài bản thêm cho sinh viên về nguồn ngữ. Các trường cần có định hướng cho sinh viên ngay từ đầu để có sự đầu tư đạo tạo nghề song song với ngôn ngữ.

Trước nhu cầu cao của thực tiễn, ông Trần Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và việc làm, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm (tại Đà Nẵng) cho biết, trường đang chú trọng đào tạo về công nghệ thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ sinh học nông nghiệp…

Trong quá trình đào tạo, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm hướng dẫn sinh viên thực hành và tạo luôn ra sản phẩm thực tế như tương ớt, tương cà, cá biển đóng hộp... Những sản phẩm này sinh viên có thể sản xuất ra một sản lượng nào đó để bán cho cán bộ trong trường. Trường còn hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp như công nghệ chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh cho Công ty cổ phần Vingin.

Ngoài ra, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm còn ký kết hợp tác với Hiệp hội hỗ trợ Internship Nhật Bản đưa sinh viên sang thực tập và được hưởng lương tại Nhật Bản. Thay vì thực tập tại Việt Nam thì trường đưa sinh viên sang Nhật Bản thực tập. Kết thúc khóa thực tập, sinh viên còn được khoản tiền khoảng 200 triệu đồng nên các chương trình đạo tạo có liên kết này được sinh viên rất quan tâm, ông Trần Hoàng Dũng cho biết.

Về đầu ra sinh viên, ông Trần Hoàng Dũng cũng thông tin, trường đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm bằng việc liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Các sinh viên được đào tạo là theo đặt hàng của doanh nghiệp. Do đó, việc đào tạo đã được gắn với thực hành để bảo đảm yêu cầu doanh nghiệp. Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp để khi ra trường có thể làm việc luôn tại doanh nghiệp đó.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Việc thiết lập mối quan hệ khăng khít cung cầu nhân lực đã giúp định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.

Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Những nỗ lực, kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục