Cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở thành phố Việt Trì

17:39' - 26/12/2017
BNEWS Theo UBND thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tình trạng lấn chiếm đất công, vỉa hè xảy ra khá phổ biến tại một số địa bàn.

 Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, nhiều hộ dân đã xây dựng các công trình kiên cố, bán kiên cố để kinh doanh, cho thuê khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn.

Ông Dương Bá Nguyên, Phó Chủ tịch UBND phường Nông Trang cho biết, đoạn A9 - A11 có 76 hộ đã xây dựng các công trình tạm, làm mái le, mái vẩy, lấn chiếm ra đất lưu không trước cửa nhà.

Nguyên nhân là trước đây, trên đoạn đường này có hệ thống đường điện cao thế của Nhà máy dệt Vĩnh Phú, nên khi giao đất làm nhà ở, theo quy định thì các hộ dân phải cách đường điện này 6 mét để bảo đảm an toàn.

Sau đó, đường điện được di chuyển, cộng với quá trình nắn đường Hùng Vương khiến phần đất dư thừa từ vỉa hè đến nhà dân khoảng từ 6 đến 8 mét. Từ đó đến nay, người dân đã xây dựng hàng quán và sử dụng phần đất này.

Đáng chú ý, trong 76 hộ lấn chiếm đất công, có 19 hộ có Bản cam kết gửi UBND phường xin mượn đất làm hàng rào và cam kết khi nào nhà nước cần sẽ tự phá dỡ mà không đòi bồi thường; 26 hộ có xây công trình tạm đều bị UBND phường lập Biên bản vi phạm và yêu cầu tự tháo dỡ, thu dọn tài sản vi phạm trật tự xây dựng đô thị, giải phóng mặt bằng trả lại đất cho Nhà nước.

Thực hiện Kế hoạch Năm trật tự văn minh đô thị 2017 và khâu đột phá Xây dựng đô thị văn minh văn hóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XX đã đề ra, ngay từ đầu năm, thành phố đã triển khai quyết liệt chủ trương thiết lập lại trật tự đô thị.

Đồng thời, yêu cầu người dân tự phá dỡ các công trình lấn chiếm, nhất là tại một số địa bàn trọng điểm như các phường Nông Trang, Tân Dân, Gia Cẩm, Tiên Cát…

Phần lớn các hộ dân trên địa bàn thành phố đều nhất trí với chủ trương này và hy vọng bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc. Chỉ một số ít hộ dân từ nút A9 đến A11 băng 1 đường Hùng Vương thuộc phường Nông Trang không chịu phá dỡ và làm đơn kiến nghị được hợp thức số đất đã lấn chiếm nhiều năm nay.

Ông Dương Bá Nguyên cho biết thêm, trong những năm qua, việc hợp thức đất ở đối với phần đất lưu không trước của nhà của các hộ dân thuộc Tổ 18B, khu 2A; tổ 55B, khu 6A và tổ 15C, khu 2B phường Nông Trang là không có.

Phần đất ở của các hộ hiện nay có chiều dài trung bình từ 16 - 20m, trong quá trình triển khai họp dân theo đơn đề nghị của các hộ được hợp thức đất ở thì chỉ có một phần ba số hộ tại khu vực đến dự họp.

Về cơ bản, người dân trong khu vực đồng tình với chủ trương thực hiện Kế hoạch Năm trật tự văn minh đô thị, chỉ có khoảng trên 20 hộ dân thực sự muốn được hợp thức theo đơn giá qui định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thửa đất của khoảng 20 hộ dân muốn được hợp thức nói trên không tập trung tại một khu vực mà nằm rải rác trên toàn tuyến. Do đó, nếu hợp thức sẽ dẫn đến tình trạng hộ dân được hợp thức nằm xen kẽ với hộ dân không có nhu cầu hợp thức làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của toàn tuyến phố.

Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, không có cơ sở xác định phần diện tích trước cửa nhà các hộ dân đã sử dụng ổn định từ trước năm 1992.

Bởi vì, hầu hết các hộ đã xây dựng các công trình tạm, làm mái le, mái vẩy để kinh doanh đoạn (đều có đơn xin mượn đất để xây dựng công trình tạm) từ năm 2010 trở lại đây.

Bên cạnh đó, đối với việc công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo qui định và không vi phạm luật đất đai, phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp...

Còn theo kết luận của Giám đốc Sở Xây dựng Bùi Sơn Thủy tại Hội nghị do Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND thành phố Việt Trì về việc xử lý đơn của một số hộ dân phường Nông Trang, Hồ sơ lưu trữ thể hiện, tại thời điểm tháng 5/1996 vẫn còn đường điện 6 kV chạy dọc đường Hùng Vương và theo bản đồ đo vẽ năm 1996 và sổ mục kê lập năm 1997 thì phần đất trên thuộc đất giao thông.

Trong khi đó, đa số các hộ dân được giao đất cuối năm 1993. Vì vậy, việc người dân cho rằng phần diện tích đất phía trước được các hộ sử dụng hợp pháp từ năm 1992 đến nay, không tranh chấp phù hợp với qui hoạch là không chính xác.

Trong những năm qua, việc hợp thức đất ở đối với phần đất lưu không trước cửa nhà của hơn 100 hộ dân thuộc tổ 18B, khu 2A; tổ 55B, khu 6A và tổ 15C, khu 2B phường Nông Trang là không có.

Vì vậy, UBND phường Nông Trang đã tổ chức vận động được 57/76 hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; tổ chức cưỡng chế 2/76 hộ đảm bảo theo đúng qui định. Hiện còn 17/76 hộ dân chưa tháo dỡ vi phạm.

Ngày 24/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 4785/UBND-TD truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao UBND thành phố Việt Trì có trách nhiệm quyết định phương án thực hiện quy hoạch chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương, đoạn A9 - A11 đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của công dân theo quy định...

Nhằm giải quyết dứt điểm việc thực hiện quy hoạch chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương đoạn A9 - A11 và giải quyết đơn kiến nghị của công dân phường Nông Trang, thành phố Việt Trì đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan.

Đồng thời đối thoại giữa người dân và chính quyền; xây dựng phương án quy hoạch và niêm yết, lấy ý kiến dân cư Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án: Chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương, đoạn A9-A11, phường Nông Trang...

Thành phố đi đến quan điểm thống nhất: "Việc thực hiện dự án: "Chỉnh trang hè đường Hùng Vương đoạn A9 - A11, phường Nông Trang" là thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Quyết định số 1214/QĐ-TTg ngày 30/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030; Thông báo Kết luận của Thường trực Thành ủy số 317-TB/TU ngày 21/4/2017".

Việc triển khai thực hiện dự án "Chỉnh trang hè đường Hùng Vương đoạn A9 - A11, phường Nông Trang" là cần thiết, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, phục vụ lợi ích chung của nhân dân thành phố và xây dựng hạ tầng đô thị thành phố ngày càng đồng bộ, khang trang, sạch, đẹp.

Quá trình thực hiện dự án, UBND thành phố đã xây dựng phương án quy hoạch và niêm yết tại trụ sở UBND phường, nhà văn hóa khu dân cư trong vùng quy hoạch và phối hợp với UBND phường Nông Trang tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Mặt khác, theo quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe tĩnh của thành phố, khu vực phía trước các hộ dân thuộc tổ 18B, khu 2A; tổ 55B khu 6A và tổ 15C, khu 2B phường Nông Trang có bố trí một bãi đỗ xe.

Sau khi công bố công khai và tiếp thu ý kiến của nhân dân, UBND thành phố quyết định điều chỉnh, không làm bãi đỗ xe tại khu vực đó nữa và tổ chức cải tạo chỉnh trang, làm lại vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng phục vụ lợi ích chung của số đông người dân.

Việc tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm và việc người dân đề nghị hợp thức đất ở là hai việc hoàn toàn khác nhau. Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương đoạn A9 - A11, phường Nông Trang theo hướng sử dụng phần đất trước nhà các hộ dân vào mục đích xây dựng hạ tầng đô thị, làm hè phố, trồng cây xanh và điện chiếu sáng đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ quan đô thị là hoàn toàn phù hợp.

Cùng với tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu rõ chủ trương của tỉnh, của thành phố, các cấp, các ngành của Việt Trì cần quyết liệt hơn nữa xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán để người dân đi lại thuận tiện và phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030 và lộ trình xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc./.

>>  TPHCM: Xử lý hơn 7.000 trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường quận 1

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục