Canada cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng cao

13:58' - 15/09/2024
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Tiff Macklem, cho rằng sự chậm lại của toàn cầu hóa và những gián đoạn thương mại hiện tại có thể đẩy lạm phát tăng cao.

Theo trang financialpost.com, trong bài phát biểu tại Phòng Thương mại Canada - Anh tại London mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Tiff Macklem, cho rằng sự chậm lại của toàn cầu hóa và những gián đoạn thương mại hiện tại có thể đẩy lạm phát tăng cao, làm cho các ngân hàng trung ương khó đạt mục tiêu lạm phát 2%.

 

Ông Macklem nhận định, trong tương lai, khi toàn cầu hóa chậm lại, chi phí hàng hóa toàn cầu có thể không còn giảm sâu như trước. Điều này có khả năng gia tăng áp lực lạm phát.

Thương mại toàn cầu đã thay đổi đáng kể, đặc biệt do mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc đang chuyển biến. Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như tấm pin Mặt Trời, xe điện, máy tính và thiết bị phát sóng.

Điều này gây lo ngại về an ninh và nguy cơ công nghệ Trung Quốc thay thế ngành công nghiệp nội địa. Từ năm 2018, các hạn chế thương mại bắt đầu gia tăng, với ví dụ gần đây Mỹ và Canada áp thuế 100% lên xe điện Trung Quốc. Dù an ninh là mối quan tâm quan trọng, ông Macklem cảnh báo rằng cần tránh để điều này trở thành lý do cho chủ nghĩa bảo hộ không hiệu quả.

Cùng với đó, các tuyến thương mại toàn cầu cũng thay đổi khi doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hợp tác với các đối tác thân thiện hơn. Kết hợp với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chuỗi cung ứng đã trở nên phức tạp và kéo dài hơn.

Ông Macklem nhấn mạnh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu sẽ gây tổn thất. Doanh nghiệp phải cân nhắc không chỉ hiệu quả mà còn cả các rủi ro an ninh và bất ổn địa chính trị. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính chi phí phân mảnh thương mại có thể dao động từ 0,2 đến 7% GDP toàn cầu.

Canada có 15 hiệp định thương mại với 51 quốc gia, nhưng quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ vẫn là lợi thế lớn nhất. Thương mại chiếm 2/3 GDP của Canada, trong đó gần 75% xuất khẩu hướng sang Mỹ.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Canada đã chậm lại trong thập kỷ qua, dù đại dịch đã che khuất một phần xu hướng này. Xuất khẩu hàng hóa của Canada không theo kịp với tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và Liên minh châu Âu, hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Mặc dù xuất khẩu hàng hóa toàn cầu giảm, dịch vụ lại tăng lên, đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. Canada đang ở vị thế tốt để tận dụng thời cơ này. Ông Macklem nhấn mạnh: "Để khai thác tối đa tiềm năng, Canada cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại và giảm các rào cản thương mại, khiến Canada trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi giá trị Bắc Mỹ."

Ông cũng đề cập đến việc đầu tư vào lưới điện và cơ sở hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào thiết bị mới và đổi mới công nghệ để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Trong cuộc họp báo sau bài phát biểu, ông Macklem cho rằng việc xóa bỏ các rào cản thương mại giữa các tỉnh Canada là "một khởi đầu tốt".

Về chính sách tiền tệ trong bối cảnh mới của thương mại toàn cầu, ông Macklem nhấn mạnh BoC không nên làm gia tăng sự bất ổn. Ngân hàng Trung ương Canada cần quản lý rủi ro một cách cân bằng, giữa nguy cơ gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo lạm phát ổn định và dễ dự đoán ngay cả khi thương mại toàn cầu đang thay đổi.

Tuần trước, BoC đã cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ ba liên tiếp, đưa lãi suất xuống 4,25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Canada đã tăng lên 6,6% vào tháng 8, tăng khả năng BoC có thể cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 10.

Ông Macklem kết luận nếu nền kinh tế diễn biến như dự đoán, việc cắt giảm thêm lãi suất là hợp lý. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế yếu hơn hoặc lạm phát giảm mạnh hơn dự kiến, Canada có thể cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục