Canada có nguy cơ tụt hậu so với Mỹ trên thị trường diesel tái tạo

08:35' - 05/10/2020
BNEWS Các cơ sở lọc dầu của Mỹ đang nỗ lực chuyển đổi để sản xuất diesel tái tạo, trong bối cảnh Canada sắp triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường.

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ công bố Tiêu chuẩn nhiên liệu sạch trong năm nay, nhằm đạt mục tiêu cắt giảm 30 triệu tấn khí thải vào năm 2030. 

Ian Thomson, Chủ tịch Advanced Biofuels Canada, nhận định các công ty Canada chậm chân trong việc chuẩn bị để sản xuất nhiên liệu này, với chỉ 3 dự án được công bố.

Trong khi đó, đã có ít nhất 5 cơ sở lọc dầu của Mỹ thông báo kế hoạch sản xuất diesel tái tạo hoặc cân nhắc về phương án này, trong đó có Phillips 66 và HollyFrontier Corp.

Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, diesel tái tạo (được sản xuất thông qua quá trình chế biến mỡ động vật, dầu cải và dầu ăn đã qua sử dụng) là một thị trường nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,5% trên thị trường diesel toàn cầu có khối lượng 430 tỷ gallon mỗi năm (1 gallon = 3,78 lít).

Đáng lưu ý là lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ diesel tái tạo và các loại dầu diesel sinh học truyền thống thường thấp hơn 50-80% so với diesel thông thường.

Suncor Energy Inc, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Canada, đang cân nhắc triển khai  sản xuất diesel tái tạo ở Montreal, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình này.

Theo một số chuyên gia, các nhà máy lọc dầu của Canada phải đối mặt với trình trạng các văn bản quy định được ban hành chậm hơn so với tại Mỹ, và đây là một điểm bất lợi đối với các doanh nghiệp ở xứ sở lá phong.

Thị trường nhiên liệu tái tạo đang cất cánh và Canada có cơ hội lớn để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Tuy nhiên, theo Markus Haerle, Chủ tịch Grain Farmers of Ontario, các tiêu chuẩn của Canada đối với các loại cây trồng được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học quá nghiêm ngặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục