Canada ưu tiên thúc đẩy EPA với Nhật Bản

05:30' - 16/07/2017
BNEWS Với tương lai không chắc chắn của TPP và dư luận Canada phản đối đẩy nhanh đàm phán FTA với Trung Quốc, Chính phủ Canada cần ưu tiên nối lại đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với Nhật Bản.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Đây là nhận định của Thượng nghị sĩ Canada Paul J. Massicotte, đồng chủ tịch Hội nghị sĩ hữu nghị Canada – Nhật Bản. Theo tác giả, EPA sẽ giúp mang tới hàng tỷ USD cho cả hai nền kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada sẽ tăng từ 3,8 tỷ đến 9 tỷ USD, trong khi GDP của Nhật Bản tăng gần 5 tỷ USD. 
“Chúng tôi nhận thấy Canada và Nhật Bản không chỉ có các chính sách thương mại tiến bộ, mà các ngành công nghiệp và nguồn lực của hai bên cũng mang lại nhiều lợi ích cho hai nước. Nhật Bản có nhu cầu lớn về kim loại, nông nghiệp, lâm sản và năng lượng vốn là những thứ Canada đang có. 

Đổi lại, Nhật Bản cung cấp cho Canada ô tô, máy móc và công nghệ khác. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều đất để phát triển hơn nữa”, Thượng nghị sĩ Massicotte khẳng định.

Các cuộc đàm phán EPA giữa Canada và Nhật Bản bị hoãn lại từ năm 2014 sau khi Tokyo quyết định tham gia vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng được các chính phủ coi là ưu tiên lớn nhất. 

Với Nhật Bản, TPP là một cấu phần quan trọng trong kế hoạch khôi phục kinh tế thông qua thúc đẩy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải một cú sốc bất ngờ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP. 

Theo các điều khoản cũ trong TPP, hiệp định này sẽ không thể tồn tại nếu không có sự tham gia của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Canada đã chủ động đề nghị Nhật Bản nối lại đàm phán ETA nhưng Tokyo chần chừ vì vẫn hy vọng có thể cứu vãn TPP dưới một hình thức nào đó.

Hiện vẫn chưa biết liệu TPP có thể tiếp tục tiến bước với 11 thành viên còn lại hay không, cho dù các nước đều đã đồng ý xem xét khả năng cho ra đời một thỏa thuận mới không có Mỹ. Vì thế, Canada không thể ngồi chờ mà phải tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại, mà hai mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là Nhật Bản và Trung Quốc. 

“Chúng ta có thể tìm được nền tảng chung với các nước như Nhật Bản, những nước đang tìm kiếm thương mại tự do chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ”, Thượng nghị sĩ Massicotte viết.

Cũng theo ông Massicotte, sau bảy vòng đàm phán trước đây, Canada và Nhật Bản đã vượt qua phần lớn công việc khó khăn và đặt được nền móng cho việc sớm hình thành ETA song phương. Đây sẽ là một bước tiến giúp thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại rộng lớn hơn giữa hai nước. 

Quan hệ thương mại tốt hơn sẽ tạo thêm giá trị hợp tác kinh tế nhờ những lợi ích có được từ mở rộng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ, tăng cường đầu tư song phương và thúc đẩy tăng trưởng GDP. 

Ngoài ra, EPA với Nhật Bản còn khuyến khích Canada tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa với các thị trường châu Á quan trọng khác và quan trọng nhất là EPA sẽ không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại lớn hơn trong khu vực.

Vấn đề hiện nay là Canada phải thuyết phục được Nhật Bản đồng ý nối lại đàm phán càng sớm càng tốt. Canada phải cho Nhật Bản thấy rằng ETA sẽ không cản trở việc tiến tới một thỏa thuận thương mại đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương. 

“Nếu có một thỏa thuận thương mại đa phương mới được hình thành từ các cuộc đàm phán TPP vốn có thể kéo dài hàng năm, hai nước vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn”, ông  Massicotte nhận định.

Ngoài Nhật Bản, Canada cũng đang đẩy mạnh các cuộc đàm phán thăm dò về khả năng khởi động thảo luận FTA song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc là nền kinh tế lớn và có mô hình hoạt động khác hẳn so với Canada nên tiến trình này chắc chắn sẽ khó khăn và kéo dài hơn nhiều so với việc Canada đạt được ETA với Nhật Bản.

Trong khi đó, trong cuộc gặp ngày 8/7 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng Canadd Justin Trudeau đã nhất trí tiếp tục theo đuổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Mexico, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của NAFTA và khẳng định việc nâng cấp và hiện đại hóa hiệp định này phải đảm bảo tự do thương mại và đầu tư, đem lại lợi ích cho các nước liên quan.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận nhiều vấn đề nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, cũng như cùng chung sức vì sự phát triển và thịnh vượng của Bắc Mỹ và khu vực. 

Trước đó ngày 7/7, Tổng thống Peña Nieto cũng có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Tại cuộc gặp, hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hiện đại hóa NAFTA. Dự kiến, việc tái đàm phán NAFTA sẽ có thể bắt đầu vào ngày 16/8 tới.

NAFTA giữa Mexico, Mỹ và Canada có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. 

Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này. 

NAFTA đã trở thành nền tảng trong mọi chính sách kinh tế của Mexico. Tuy nhiên, giới chức Mexico tuyên bố quốc gia này có thể rời khỏi NAFTA nếu không đạt được lợi ích trong khi tái đàm phán. Ngày 1/2 năm nay, Mexico đã bắt đầu khởi động tư vấn chính thức với lĩnh vực tư nhân trong vòng 90 ngày nhằm xác định các yếu tố và điều kiện cần thiết trên bàn đàm phán về NAFTA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục