Canada: Xuất khẩu dầu mỏ không còn dựa vào Keystone XL

10:03' - 19/11/2016
BNEWS Xuất khẩu dầu mỏ của Canada không chỉ dựa vào một thị trường lớn và dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL không còn quan trọng đối với xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Ý kiến được Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jim Carr đưa ra mới đây.

Canada: Xuất khẩu dầu mỏ không còn dựa vào Keystone XL. Ảnh: EPA

Ông Jim Carr cho biết Canada đã chuyển sang một kế hoạch hoàn toàn mới đối với xuất khẩu dầu mỏ và dự án đường ống Keystone XL, vốn rất quan trọng đối với xuất khẩu dầu của nước này, hiện nay không còn là ưu tiên, cho dù Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump hứa hẹn sẽ cấp giấy phép cho dự án vốn bị từ chối.

Theo ông Jim Carr, Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng nói về việc điều chỉnh nguồn lực của Canada một cách bền vững và nhận thấy tầm quan trọng của các thị trường nhập khẩu dầu mỏ khác, thay vì chỉ dựa vào một thị trường lớn.

Hiện nay, hầu hết dầu thô của Canada được xuất khẩu sang Mỹ và các đường ống dẫn dầu hiện có đang hoạt động tối đa công suất mà vẫn không đáp ứng đủ.

Vì vậy, một lượng lớn dầu thô vẫn phải vận chuyển bằng đường sắt, khiến chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể, trong khi giá dầu thô phải hạ xuống để phù hợp với giá thành phẩm hiện đang ở mức thấp.

Điều này khiến cho việc xuất khẩu dầu thô của Canada gặp nhiều khó khăn.

Dự án Keystone XL nếu được thông qua sẽ vận chuyển được hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ tỉnh Alberta của Canada đến nhà máy lọc dầu ở bang Texas, Mỹ.

Hiện “số phận” của dự án này vẫn đang rất mù mờ, mặc dù tập đoàn năng lượng TransCanada đã nộp đơn xin giấy phép từ Chính phủ Mỹ và đợi ông Trump phê duyệt khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.

Theo ông Jeff Phillips, chuyên gia về thương mại quốc tế và quan hệ Mỹ - Canada, Canada cần hiểu rằng dự án đường ống này vẫn có thể bị từ chối một lần nữa sau khi từng bị Thượng viện Mỹ bác bỏ vào cuối năm 2014.

Còn theo đánh giá của bà Jennifer Winter, Giám đốc khoa học về chính sách năng lượng và môi trường của Đại học Calgary, phát biểu của ông Jim Carr cho thấy dự án Keystone XL không còn là lựa chọn duy nhất, thậm chí lựa chọn tốt nhất của Canada hiện nay.

Châu Á mới là một thị trường quan trọng, trong đó Trung Quốc sẽ là một thị trường phát triển lớn và hấp dẫn hơn nhiều.

Chính phủ Canada đang xem xét hai đề xuất về đường ống dẫn dầu và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 19/12 tới.

Đó là dự án mở rộng tuyến đường ống Trans Mountain từ thành phố Edmonton tới Burnaby của tỉnh British Columbia với chi phí lên tới 5 tỷ CAD (1 USD = 1,3433 CAD), và dự án đường ống "Cửa ngõ phía Bắc" trị giá 5,5 tỷ CAD hiện đang bị các cộng đồng bản địa và các nhóm môi trường phản đối.

Nếu kế hoạch mở rộng Trans Mountain được thông qua sẽ nâng khả năng vận chuyển của đường ống duy nhất hiện nay, đưa dầu từ tỉnh Alberta sang bờ biển phía Tây Canada và châu Á, từ mức 300.000 thùng/ngày hiện nay lên 850.000 thùng/ngày.

Chính phủ Canada quyết định từ cuối tháng 11/2016 sẽ tiến hành nhiều cuộc tham vấn với các cộng đồng bản địa về vấn đề trên.

Theo đánh giá của các chuyên gia về năng lượng, thương mại quốc tế và quan hệ Mỹ - Canada, trong bối cảnh thực tế hiện nay, châu Á mới là thị trường quan trọng đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ của Canada, trong đó Trung Quốc sẽ nổi lên là thị trường phát triển lớn hơn và hấp dẫn hơn nhiều.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục