Căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá vàng tiến hơn 4% trong tuần qua

11:11' - 05/03/2022
BNEWS Giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên 4/3, giữa lúc các nhà đầu tư ngày một lo lắng về diễn biến phức tạp xung quanh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Giá vàng kỳ hạn Mỹ phiên này đã tăng 30,70 USD (tương đương 1,6%) lên 1.966,60 USD/ounce.

Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bị tấn công đang làm dấy lên lo ngại rằng xung đột giữa nước này với Nga đang trở nên nguy hiểm hơn. Giữa bối cảnh như vậy, nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho hay cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa.

Điều đó không chỉ do hoạt động trú ẩn an toàn ngắn hạn, mà quan trọng hơn là do căng thẳng này sẽ có ý nghĩa ra sao đối với tình hình lạm phát, tăng trưởng và kỳ vọng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường kim loại quý cùng phiên là giá palađi đã tăng 8,4% lên 3.008,74 USD/ounce, do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu là Nga khi nước này chiếm 40% sản lượng toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên kim loại này vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce kể từ tháng 5/2021. Tính chung trong tuần, palađi tăng khoảng 25% - mức tăng tốt nhất kể từ cuối tháng 3/2020.

Giới quan sát lưu ý thị trường vàng phần lớn đã “phớt lờ” mức tăng 1% của đồng USD, vốn cũng là một kênh trú ẩn an toàn, cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối tháng này sau số liệu việc làm mới nhất.

 

Vàng cũng không phản ứng nhiều với báo cáo hàng tháng về thị trường lao động Mỹ mới được công bố hôm 4/3. Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ đưa ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 678.000 việc làm trong tháng Hai, nhiều hơn mức dự báo 440.000 việc làm của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4% xuống 3,8%.

Ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới tài chính Wolfpack Capital cho biết dữ liệu tuy tốt hơn dự đoán nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Điều này chủ yếu do tình hình tại Ukraine đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư.

Ông lưu ý số việc làm phi nông nghiệp không chỉ vượt ước tính thị trường mà tỷ lệ tham gia của lao động đã tăng lên 62,3% - một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ “khỏe mạnh” hơn và có khả năng giúp hạ nhiệt lạm phát tiền lương.

Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần khá "rực rỡ" với bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm.

Trong phiên đầu tuần 28/2, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York tăng 13,1 USD (tương đương 0,69%) lên 1.900,7 USD/ounce. Căng thẳng tại Ukraine không có dấu hiệu giảm leo thang khi Mỹ cùng với các đồng minh bổ sung các lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào cuối tuần trước. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có kết quả.

Đà tăng tiếp tục trong phiên 1/3, khi giới đầu tư đẩy mạnh chuyển hướng vào vàng - vốn được coi là tài sản an toàn trong những giai đoạn bất ổn về kinh tế và địa chính trị. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4/2022 tăng 43,1 USD (2,27%) lên 1.943,8 USD/ounce.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới giảm 1,1% trong phiên giao dịch ngày 2/3 và đóng cửa ở mức 1.922,30 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và tâm lý ưa rủi ro của giới đầu tư gia tăng.

Phiên này, chứng khoán Mỹ tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đi lên sau khi Chủ tịch Fed phát đi tín hiệu ngân hàng này có thể bắt đầu tăng lãi suất trong tháng Ba, bất chấp tình hình bất ổn liên quan tới căng thẳng ở Ukraine.

Giá vàng tăng trở lại trong phiên 3/3, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine trở lại tâm điểm chú ý của thị trường. Phiên này, giá vàng kỳ hạn tăng 13,6 USD (0,71%) và chốt phiên ở mức 1.935,9 USD/ounce. Các số liệu về kinh tế Mỹ được công bố cùng ngày cũng hỗ trợ giá vàng.

Với mức tăng khá tốt trong phiên 4/3, giá vàng đã tiến thêm 4,2% trong tuần qua, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất đối với một hợp đồng kỳ hạn kể từ tháng 7/2020.

Sau báo cáo việc làm mới nhất, giới đầu tư sẽ chuyển sự chú ý đến cuộc họp tiếp theo vào ngày 15-16/3 của Fed.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông sẽ đề xuất tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) nhằm chống lại lạm phát leo thang phi mã. Song ông cũng không bỏ qua khả năng Fed sẽ “mạnh tay” hơn trong trường hợp giá cả diễn biến khó lường.

Ông Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại công ty giao dịch kim loại quý Kinesis Money nói rằng động thái tăng lãi suất của Fed đang giới hạn đà tăng tiềm năng của vàng cùng các kim loại quý khác. Điều đó có thể khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng.

Trong khi đó, ông Wright nhận định giá vàng có thể nhanh chóng tăng lên trên 2.000 USD/ounce nếu tình hình Ukraine diễn biến xấu hơn, hoặc giảm mạnh nếu có một số biện pháp giải quyết thực chất cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Song ông cho rằng kịch bản giảm này đang ngày càng ít khả năng thành hiện thực./.

>>>Đâu là động lực bền vững cho đà tăng của giá vàng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục