Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Thêm sức ép cạnh tranh với ngành sản xuất trong nước

14:07' - 09/08/2019
BNEWS Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ dẫn tới việc hàng hóa của hai nước khó tiêu thụ tại thị trường của nhau, khiến họ tăng cường xuất khẩu sang các nước khác; trong đó có Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại làm việc với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hơn nữa, đây cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam; trong đó, có liên quan trực tiếp tới các nội dung về phòng vệ thương mại trong thời gian tới. Bởi, hai nước Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa.

Ông Lê Triệu Dũng cũng phân tích thêm, thời gian qua chính sách thương mại của các nước đã và đang chứng kiến các xu thế có phần trái ngược nhau.

Bên cạnh việc nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam đẩy mạnh việc tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết gia nhập các hiệp định thương mại tự do thì các xu thế bảo hộ trên thế giới cũng đang gia tăng đó là việc sử dụng các biện pháp bảo hộ như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu. Chính sách bảo hộ gia tăng sẽ dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể như: quy tắc xuất xứ với việc một số nước mở rộng biến thể của yêu cầu “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” đối với dệt may sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm…Vì vậy, nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa của Việt Nam rất dễ  rơi vào trạng tái “lẩn tránh” thuế, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đơn cử như việc Mỹ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam (nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc) hay xem xét đơn kiện Công ty Minh Phú gian lận thuế với sản phẩm tôm mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ năm 2005 và kiện trợ cấp năm 2013.

Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp cũng là một trong những điểm yếu khá lớn trong quá trình phòng vệ thương mại. Bởi, không ít các doanh nghiệp thiếu hợp tác và lo ngại về nguồn lực tham gia phối hợp, trả lời bản câu hỏi của nước ngoài nên đã bị áp thuế cao. Ngược lại, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có chiến lược ứng phó bài bản và sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài hơn.

Do vậy, để có những báo cáo kịp thời, tránh bị động tối đa từ các diễn biến chính sách của Mỹ và Trung Quốc, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến chiến tranh thương mại của hai nước này.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng chia sẻ, nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường đã tập trung rà soát danh sách hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị cần thành lập tổ kiểm tra có sự phối hợp từ hải quan nhằm rà soát những doanh nghiệp lợi dụng cơ hội để nhập khẩu hàng hoá tăng đột biến từ hai thị trường này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với quy mô lớn vừa qua không chỉ dừng lại những tác động mang tính song phương mà còn động chạm đến rất nhiều nền kinh tế khác; trong đó, có Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam càng cần chủ động các biện pháp cần thiết. Để hạn chế những tác động từ cuộc chiến, Bộ trưởng đã giao các đơn vị có liên quan có sự hợp với, đặc biệt là lực lượng hải quan rà soát lại các mặt hàng có lượng xuất, nhập khẩu tăng đột biến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục