Căng thẳng thương mại, nợ công đẩy kinh tế thế giới vào "ngã rẽ" nguy hiểm

08:13' - 01/07/2025
BNEWS Mức nợ công cao và ngày càng tăng đang khiến hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn trước biến động lãi suất.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức đóng vai trò như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, vừa cảnh báo rằng căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị có nguy cơ làm lộ ra những rạn nứt sâu sắc trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong đánh giá mới nhất về tình hình kinh tế thế giới, người đứng đầu của BIS, ông Agustín Carstens nhận định cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng và các thay đổi chính sách khác đang làm xói mòn trật tự kinh tế đã được thiết lập từ lâu.

 
Ông mô tả kinh tế toàn cầu đang ở một "thời điểm then chốt", bước vào một "kỷ nguyên mới của sự bất ổn và khó lường gia tăng". Điều này đang thử thách lòng tin của công chúng vào các thể chế, bao gồm cả các ngân hàng trung ương.

Báo cáo của BIS được công bố chỉ hơn một tuần trước hạn chót ngày 9/7 về thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau sáu tháng biến động địa chính trị dữ dội.

Báo cáo thường niên của BIS được xem là một thước đo quan trọng về tư duy của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hàng đầu thế giới. Ông Carstens cho biết, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự phân mảnh thương mại là "đặc biệt đáng lo ngại", vì chúng đang làm trầm trọng thêm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và năng suất vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Nền kinh tế thế giới cũng đang cho thấy dấu hiệu chống chịu các cú sốc kém hơn trước, do tác động cộng hưởng từ dân số già hóa, biến đổi khí hậu và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đợt lạm phát tăng vọt sau đại dịch COVID-19 dường như cũng đã để lại tác động lâu dài đến nhận thức của công chúng về biến động giá cả.

Đáng báo động hơn, mức nợ công cao và ngày càng tăng đang khiến hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn trước biến động lãi suất, đồng thời làm giảm khả năng của các chính phủ trong việc dùng chính sách tài khóa để vực dậy nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra. Ông Carstens cảnh báo rằng xu hướng nợ gia tăng này "không thể tiếp tục", đặc biệt khi chi tiêu quân sự có thể khiến nợ công phình to hơn nữa.

Một điểm nhấn khác trong báo cáo là sự sụt giảm mạnh của đồng USD. Ông Hyun Song Shin, cố vấn kinh tế chính của BIS, cho biết đồng bạc xanh đã giảm 10% kể từ đầu năm tới nay. Đồng tiền này đang trên đà ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ khi kỷ nguyên tỷ giá thả nổi bắt đầu vào đầu những năm 1970.

Tuy nhiên, ông Shin cho rằng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là sự khởi đầu của một "cuộc tháo chạy" khỏi các tài sản của Mỹ, nhưng cũng thừa nhận còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn. Phân tích ngắn hạn cho thấy, việc các nhà đầu tư ngoài Mỹ tăng cường phòng hộ rủi ro khi nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ đã góp phần quan trọng vào đà giảm của đồng USD trong vài tháng qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục