Căng thẳng thương mại toàn cầu khiến tỷ giá won/USD tăng mạnh trong hơn 16 năm

11:45' - 10/04/2025
BNEWS Ngày 9/4, thị trường ngoại hối Seoul ghi nhận tỷ giá won/USD ở mức 1.484,1 won/USD, tăng 10,9 won so với phiên giao dịch một ngày trước. Đây là mức cao nhất trong hơn 16 năm kể từ ngày 12/3/2009.
Theo báo Joongang Ilbo, nền kinh tế Hàn Quốc đang ở trong tình thế vô cùng bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt cơ chế thuế quan đối ứng theo từng quốc gia và chính thức có hiệu lực từ chiều 9/4 (theo giờ Seoul).

Chỉ số chứng khoán tổng hợp Kospi của Hàn Quốc nhanh chóng giảm xuống dưới mốc 2.300 khi thị trường tiếp nhận thông tin tiêu cực. Tỷ giá hối đoái won/USD trong phiên giao dịch ngày 9/4 trên thị trường ngoại hối Seoul, được ghi nhận ở mức 1.484,1 won/USD, tăng 10,9 won so với phiên giao dịch một ngày trước. Đây là mức cao nhất trong hơn 16 năm kể từ ngày 12/3/2009, khi tỷ giá hối đoái đạt 1.496,5 won đổi 1 USD trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này có nghĩa là đồng won đang mất giá mạnh.

 
Thông tin cho biết tỷ giá won-USD mở cửa phiên 9/4 ở mức 1.484,0 won đổi 1 USD, tăng 10,8 won so với phiên hôm trước, và đã vọt lên 1.487,5 won đổi 1 USD vào khoảng 9 giờ 10 phút sáng, sau đó có lúc giảm nhẹ xuống 1.476,9 won đổi 1 USD vào khoảng 11 giờ 15 sáng, nhưng trong suốt buổi chiều lại tăng trở lại và duy trì trên mốc 1.480 won đổi 1 USD.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đà tăng tỷ giá won/USD trong phiên giao dịch cùng ngày là do căng thẳng thuế quan Mỹ-Trung. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, tâm lý né tránh rủi ro gia tăng đã khiến đồng won vốn được xem là tài sản rủi ro bị mất giá.

Trong bối cảnh này, quyền Tổng thống Han Duck-soo đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Trump về mức thuế 25% mà Mỹ đang áp đặt lên hàng hóa Hàn Quốc, một động thái được dư luận trông đợi cho dù bị coi là khá muộn. Bộ trưởng Thương mại Chung In-kyo đã bắt đầu đàm phán tại Washington, mặc dù các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng chỉ mang lại hiệu quả hạn chế. Chuyến thăm gần đây của Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic đã kết thúc không có kết quả, vì các quan chức chủ chốt của Mỹ không có thẩm quyền để hoàn tất bất kỳ thỏa thuận nào. Giống như trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, quyền đưa ra quyết định thương mại chỉ nằm trong tay một mình tổng thống.

Giới phân tích cho rằng trong quá trình điều hướng cuộc khủng hoảng này, Hàn Quốc cần nhanh chóng tập trung mọi nguồn lực, tránh chia rẽ chính trị. Nhiều cựu quan chức thương mại đã chỉ ra rằng những bất ổn chính trị trong nước thường gây tổn hại nhiều hơn áp lực bên ngoài. Cùng với đó, sự phối hợp hành động giữa hai khối công – tư là vô cùng cần thiết.

Giới chuyên gia tài chính cho biết việc Hàn Quốc bị hoãn thời hạn gia nhập chỉ số trái phiếu toàn cầu (WGBI) cũng được cho là một yếu tố bất lợi khiến đồng won mất giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục