Cảnh báo chiêu trò lừa đảo cài đặt phần mềm "làm visa online"

11:54' - 14/04/2025
BNEWS Ngày 14/4, Công an thành phố Hà Nội cho biết nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân muốn đi nước ngoài để thực hiện các chiêu trò lừa đảo bằng thủ đoạn cài đặt phần mềm "làm visa online".

Đầu tháng 4/2025, anh Q. (sinh năm 2005; trú tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) có tìm hiểu việc làm visa Hàn Quốc trên mạng. Sau đó có 1 tài khoản facebook nhắn tin hướng dẫn anh sử dụng điện thoại hệ điều hành androi truy cập đường link tải phần mềm Visa Korean.

 

Sau khi đăng nhập phần mềm, anh Q. phát hiện điện thoại bị treo. Nghi ngờ mình bị lừa, anh kiểm tra tài khoản ngân hàng thì hệ thống báo tài khoản bị khóa. Khi ra ngân hàng tra cứu, anh phát hiện tài khoản bị rút gần 200 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, người dân có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại. Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả danh Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã hỗ trợ tiếp nhận thông tin điều tra, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ tiếp nhận trình báo lừa đảo, thu hồi tiền bị lừa với thủ tục nhanh chóng, cam kết lấy lại được tiền.

Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh Cục An ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ. Nhiều nạn nhận đã bị lừa nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo và chuyển tiền.

Hiện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ quản lý, sử dụng 3 trang kênh tương tác chính thức trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh mạng, gồm: Facebook: (https://www.facebook.com/cschd.gov.vn); Tiktok: (https://www.tiktok.com/@cschd.gov.vn); Youtube: (https://www.youtube.com/@pctpluadaotructuyen).

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục