Cảnh báo dịch bệnh động vật xảy ra trong thời gian tới

18:58' - 04/02/2019
BNEWS Nguy cơ các loại dịch bệnh động vật tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh lưu hành lây lan.
Cán bộ chức năng giám sát ổ dịch lở mồm long móng trên lợn. Ảnh: TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh động vật, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung chấn chỉnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1/2019 đến nay, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn địa phương cho thấy các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng đã xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, làm nhiều động vật mắc bệnh, buộc phải tiêu huỷ và có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Do vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh lưu hành lây lan và gây ra dịch bệnh.

Mặt khác, tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, mật độ chăn nuôi cao, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục; việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán; lượng khách du lịch từ các nước đến Việt Nam rất lớn, nhất là từ các nước láng giềng đang có nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật; việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật từ các nước thông qua đường bộ, đường hàng không và đường biển có nguy cơ làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, đối với các địa phương có ổ dịch, cần tập trung tối đa nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu huỷ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và các khu vực có nguy cơ cao; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn vật nuôi của các xã đã, đang có dịch bệnh; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng có dịch.

Đồng thời, xem xét thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng quy định; bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động giám sát, nắm bắt, báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật theo quy định.

Ngoài ra, tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó, cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh động vật, các biện pháp xử lý, mức độ hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu huỷ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, chết không rõ nguyên nhân cần khoanh vùng ổ dịch, tiêu huỷ đàn lợn bệnh; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; quản lý và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi vùng có dịch.

Đối với các địa phương chưa có dịch, cần chủ dộng giám sát, phát hiện sớm các trường hợp động vật mắc bệnh; thực hiện lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm, xác định chính xác các mầm bệnh để tổ chức tiêm phòng, chống có hiệu quả.

Bên cạnh đó, rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa bàn có nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc phòng, chống dịch bệnh động vật tuyến cơ sở.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến 31/1/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã phải tiêu huỷ hơn 1,08 triệu con lợn.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 1/2/2019, có 104 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh và đã phải tiêu huỷ trên 950.000 con lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục