Cảnh báo: Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm gia tăng do thời tiết khắc nghiệt

17:59' - 27/01/2016
BNEWS Theo Cục Thú y, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm là rất cao. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Công bố dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm tại Sơn La. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Chiều 27/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Phan Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm là rất cao. Do đó, các địa phương cần chủ động công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. 

Theo Cục Thú y, tính đến ngày 27/1, cả nước còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn chưa qua 21 ngày, với số lượng gia cầm mắc bệnh là 3.544 con, tiêu hủy 6.720 con. Nguyên nhân là do vi rút H5N1 và H5N6 lưu hành rộng khắp nơi và lây lan thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm; các địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm; công tác tiêm phòng vắc xin không triệt để… 

Đối với dịch lở mồm long móng, cả nước hiện còn 27 ổ dịch tại 6 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Đắk Lắk, Cao Bằng và Bắc Kạn. 

Để chủ động và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp. Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố đang có dịch lở mồm long móng, UBND tỉnh thực hiện công bố dịch theo đúng quy định, huy động tối đa nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy nhanh công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch; tạm thời đình chỉ mọi hoạt động mua bán, giết mổ gia súc mẫn cảm với bệnh lở mồm long móng và sản phẩm của chúng trên địa bàn có dịch. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý chặt chẽ đàn gia súc mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng có dịch; ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch ở các địa bàn có nguy cơ cao, tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác minh typ vi rút gây bệnh. 

Ngoài ra, cần tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trên địa bàn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục