Cảnh báo nguy cơ rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản

16:18' - 17/05/2019
BNEWS Sáng 17/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Công bố kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, báo cáo đã chỉ rõ hiện trạng và nguy cơ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Hội nghị Công bố kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Theo Phó Thống đốc, báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 cho thấy, ngành Ngân hàng đã xây dựng gần 40 hành động trong nội bộ ngành và hơn 20 chương trình hành động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Để các chương trình này phát huy hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các điểm giao dịch ngoại tệ, trung gian thanh toán… thực hiện một cách đầy đủ, triệt để theo các kế hoạch hành động ban hành. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên báo cáo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước về hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 được chia thành 5 nhóm hành động gồm: Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; hợp tác trong nước; các sản phẩm tài chính toàn diện và hợp tác quốc tế.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sau khi xem xét xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, Báo cáo đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp; đồng thời cũng chỉ rõ rủi ro rửa tiền ở các lĩnh vực trong nền kinh tế như: bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…
Cụ thể, với lĩnh vực ngân hàng, mức độ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước chưa có sổ tay thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro; nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền còn những hạn chế; chưa có cơ chế hiệu quả để có thể tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi cũng như những hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan.
Đối với bất động sản, nguy cơ rửa tiền là cao bởi đây là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Đặc biệt, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.
Ở lĩnh vực bảo hiểm có nguy cơ rửa tiền và mức độ rủi ro rửa tiền là trung bình thấp. Lĩnh vực chứng khoán, casino thì nguy cơ, rủi ro liên quan đến rửa tiền đều có mức trung bình. Các lĩnh vực liên quan đến kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô ở mức thấp. Trong khi đó, hệ thống chuyển tiền ngầm đều ở mức cao...
Trước đó, ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục