Cảnh báo nợ xấu ngân hàng tăng vọt trở lại

10:53' - 10/11/2020
BNEWS Nếu như nợ xấu của các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối quý II/2020 chỉ nhích nhẹ so với đầu năm, thì đến cuối quý III, con số này đã vọt tăng trở lại.
Báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy nợ xấu tại 17 ngân hàng thương mại niêm yết tính đến hết quý III/2020 ở mức hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.

Xét riêng báo cáo tài chính quý III của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nợ xấu của ngân hàng này đã tăng đến 36% so với hồi đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% lên 1,01%. Trong đó, quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2019; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gấp ba lần so với cuối năm 2019.

Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), nợ xấu nội bảng tính đến hết 30/9/2020 là 17.949 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% hồi đầu năm lên 1,87%.

Hay như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 3,42% lên 3,65% khi tổng nợ xấu tính đến cuối quý III tăng 15% so với cuối năm 2019 lên mức 10.147 tỷ đồng.

Nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tăng 19% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ mức 1,9% lên 2,13%. Tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 9 tháng năm 2020 tăng 60%, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng ghi nhận số nợ xấu tăng 39,2%, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 1,16% lên 1,5%.

Đáng chú ý, nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng gấp 6,5 lần so với đầu năm, lên 2.241 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vì thế tăng vọt từ 1,02% lên 6,63%. Nguyên nhân theo giải trình của Kienlongbank là do đầu năm 2020 ngân hàng phải ghi nhận gần 1.900 tỷ đồng dư nợ của nhóm khách hàng được phân loại nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lại ghi nhận giảm 96 tỷ đồng, xuống còn 2.184 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng từ 2,31% xuống mức 2,23%.

Nhận định về sức khỏe ngành ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, nợ xấu đã tăng tương đối mạnh trong 3 quý vừa qua, khoảng 30% so với cuối năm 2019 ở nhóm các ngân hàng niêm yết và sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo ông Lực, con số này có thể chỉ phản ánh phần nào tình hình thực tế bởi một mặt, tác động của dịch COVID-19 đến các khách hàng của ngân hàng có một độ trễ nhất định; mặt khác, các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

"Thực tế khó khăn về nợ xấu vì thế đã bắt đầu lộ diện và sẽ khó khăn hơn khi Thông tư 01 này hết hiệu lực hoặc không cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Nợ xấu ắt sẽ còn cao hơn", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Trong khi nợ xấu dần phình to, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận điểm sáng với lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số như VPBank tăng 30,5%; SeABank tăng 65,8%; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tăng 56,6%; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng 38,1%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) tăng 25,7%...

Theo các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng 9 tháng vẫn tăng trưởng dương, một phần nhờ nợ xấu chưa bộc lộ hoàn toàn, phần khác là do các ngân hàng đã chủ động tiết giảm chi phí hoạt động và tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng.

Tuy vậy, lợi nhuận quý IV/2020 của các nhà băng sẽ vẫn ẩn số lớn bởi nợ xấu tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng sẽ buộc phải hi sinh lợi nhuận để dồn lực cho xử lý nợ xấu.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy các khoản trích lập dự phòng rủi ro đang có xu hướng tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2019, một động thái chuẩn bị sẵn sàng cho những áp lực xử lý nợ không chỉ của năm 2020 mà còn có thể tiếp tục kéo dài sang các năm sau.

Năm 2020 đang dần khép lại, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" cũng đã đến thời điểm kết thúc  và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng mục tiêu đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào cuối năm nay theo Quyết định 1058 dường như khó hoàn thành.

Dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, đến cuối năm tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ tăng và ở mức 3%, tới năm 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%; nợ xấu gộp (gồm cả nợ xấu các tổ chức tín dụng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) có thể tăng lên mức 5% cuối năm 2020 và khoảng 5,5-6% năm 2021./.

>>Giải bài toán nợ xấu, tăng sức đề kháng cho hệ thống ngân hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục