Họp báo Chính phủ tháng 10: Giải đáp các vấn đề nợ xấu, giá nhà ở, đầu tư công

20:21' - 30/10/2020
BNEWS Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, nhiều vấn đề về nợ xấu, giá nhà ở còn cao, khả năng giải ngân vốn đầu tư công đã được báo giới đề cập và được đại diện các bộ giải đáp.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, tổ chức tại Hà Nội nhiều vấn đề về nợ xấu, giá nhà ở còn cao, khả năng giải ngân vốn đầu tư công đã được báo giới đề cập và được đại diện các bộ giải đáp.

Trả lời vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ  ngày 15/8/2017 -  ngày hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết tháng 9/2020, các ngân hàng thương mại đã xử lý 312,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, xử lý nội bảng đạt 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng nợ xấu và xử lý các khoản nợ hạch toán ngoài kế toán 74,9 nghìn tỷ đồng.

Các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, có những ngân hàng thời gian vừa qua nợ xấu tăng lên do trong 9 tháng năm 2020 là thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế.

Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, người vay tiền cũng là doanh nghiệp và người dân. Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, nguồn thu sụt giảm thì khả năng trả nợ gặp khó. Đây là nguyên nhân nợ xấu tăng lên.

Ngoài ra một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động vào cuộc, ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết thời điểm kết thúc sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh thương mại dịch vụ. Trong điều kiện đó, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng.

Để kiểm soát nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết, về phía Ngân hàng Nhà nước đã giao các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo phân tích, đề ra các biện pháp ứng phó làm sao quản lý để hoạt động của các tổ chức tín dụng luôn đảm bảo an toàn, phát huy vai trò trung gian nền kinh tế.

Thông tin về giá nhà ở còn cao so với thu nhập người dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện đã có một loạt giải pháp.  Trước hết, với nhà xã hội có khung giá từ 15 đến 20 triệu đồng/m2 và đã có đầy đủ cơ chế chính sách, vấn đề là đẩy nhanh các dự án để thực hiện nguồn cung này.

Tiếp theo là Bộ Xây dựng có đề xuất chính sách nhà ở thương mại giá rẻ với mức từ 20-28 triệu đồng/m2, diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được. Với nhà ở thương mại thông thường giá từ 30-45 triệu đồng/m2 thì do thị trường quyết định.

Với loại hình này, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng cách giải quyết là đảm bảo nguồn cung và minh bạch thông tin. Theo đó, làm sao thông tin được thực hiện từ nhà đầu tư đến người mua, qua đó tránh khâu trung gian, môi giới, đầu cơ.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng trong kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2020.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng rất mạnh, đạt trên 68% kế hoạch được giao, cao hơn 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 10 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2020.  Đây là kết quả của một loạt giải pháp Chính sách của Chính phủ từ đầu năm đến nay.

Về giải pháp từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, các giải pháp đã đưa ra từ đầu năm đến nay hoàn toàn đúng đắn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ tiếp tục các giải pháp đã đề ra. Theo tính toán hiện nay đã giải ngân 68%, còn 32% trong 3 tháng còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao trong năm 2020.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương cũng nhìn nhận, với miền Trung – vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ khiến nhiều công trình hạ tầng kinh tế- xã hội bị thiệt hại sẽ làm ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công của khu vực này. Qua đó tác động phần nào đến kết quả giải ngân cả nước.

Tuy nhiên với kết quả 10 tháng qua, với sức ép tiến độ công trình và kết quả giải ngân lớn từ đầu năm đến nay thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt khả quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục