Cảnh báo ô nhiễm từ khí tự nhiên hóa lỏng tại châu Âu

10:12' - 21/11/2024
BNEWS Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), từng được coi là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các tàu biển, thực tế lại gây ra lượng khí thải CO2 cao hơn đáng kể so với kỳ vọng.

Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn nghiên cứu mới đây của tổ chức Transport & Environment (T&E) cho biết việc nhập khẩu LNG vào Liên minh châu Âu (EU) tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 30% so với dự đoán trước đây.

LNG ngày càng trở thành nguồn năng lượng được ưa chuộng tại châu Âu, được xem là một lựa chọn "sạch" và "linh hoạt". Năm 2023, hơn 120 tỷ m3 LNG đã được vận chuyển vào EU, đưa khối này thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Bỉ nằm trong số 5 quốc gia tiêu thụ nhiều LNG nhất châu Âu.

 

Nhằm thúc đẩy việc giảm khí thải nhà kính trong vận tải biển, tháng 7/2023, EU đã thông qua quy định FuelEU, khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu tái tạo với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, nghiên cứu của T&E đã đặt câu hỏi về tính bền vững của LNG khi chỉ ra rằng khí đốt này, dù ít phát thải CO2 hơn trong quá trình đốt, nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro môi trường nghiêm trọng trong các giai đoạn khác của vòng đời.

LNG chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Qatar và Algeria. Trong đó, nguồn LNG từ Mỹ, vốn chiếm ưu thế trên thị trường EU, được khai thác chủ yếu từ khí đá phiến thông qua kỹ thuật phá hủy thủy lực.

Theo ông Francesco Contino, giảng viên tại Đại học UCLouvain (Bỉ), kỹ thuật này đòi hỏi phá vỡ các lớp đá dưới lòng đất để giải phóng khí, đồng thời tiêu tốn lượng lớn nước và hóa chất. Quá trình này không chỉ làm rò rỉ methane – khí nhà kính có sức ảnh hưởng lớn hơn CO2 – vào không khí mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm.

Sau khi được khai thác, LNG phải được làm lạnh tới -160°C để hóa lỏng và vận chuyển trên các tàu chuyên dụng. Tuy nhiên, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa LNG và môi trường bên ngoài làm một phần khí dễ bị bay hơi trong quá trình vận chuyển, đặc biệt khi di chuyển trên những quãng đường dài.

T&E cho rằng quy định FuelEU có thể đã đánh giá thấp tác động của lượng LNG nhập khẩu đối với khí hậu. Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải thực tế từ LNG là 24,4 gCO₂e/MJ, cao hơn 30% so với mức 18,5 gCO₂e/MJ mà EU sử dụng trong tính toán. Một tàu container lớn chạy bằng LNG có thể thải ra thêm 2.731 tấn CO2 mỗi năm so với dự tính.

Dự kiến, trong 5 năm tới, 25% tàu thuyền trên thế giới sẽ sử dụng LNG làm nhiên liệu. Dù vậy, T&E cảnh báo EU cần nhanh chóng điều chỉnh các giá trị trong quy định FuelEU để phản ánh chính xác hơn tác động thực tế của LNG lên môi trường.

Bà Inesa Ulichina, thành viên của T&E, nhấn mạnh dù quy định hiện tại giúp LNG trở nên hấp dẫn, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. Bà nhấn mạnh: "Khí tự nhiên hóa lỏng không bao giờ là một giải pháp bền vững. Chúng ta cần tìm ra những phương án thực sự cho tương lai".

Nếu không thay đổi chiến lược, mục tiêu giảm phát thải carbon trong vận tải biển của EU có nguy cơ thất bại, gây ảnh hưởng lớn đến tham vọng xây dựng một châu Âu xanh và bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục