Cảnh báo thủ đoạn tinh vi mới trong buôn lậu, hàng giả công nghệ cao

14:35' - 07/07/2025
BNEWS Hội nghị tại Đà Nẵng cảnh báo hàng giả ngày càng tinh vi, sử dụng AI, in 3D, giả mạo thương hiệu xe máy, đòi hỏi hành động quyết liệt và đồng bộ hơn từ các lực lượng chức năng.

Sáng 7/7, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới.

Đồng chủ trì Hội nghị là các ông: Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia; ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia và ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị đã lắng nghe các báo cáo, tham luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia; các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất; các cơ quan thực thi pháp luật về những khó khăn, thách thức của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình hiện nay.

 

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam, ông Bùi Văn Định cho biết, hiện các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã chiếm thị phần khoảng 98%, tức là khoảng hơn 75 triệu xe, Hiệp hội đang bị ảnh hưởng bởi nhiều hành vi gian lận thương mại và xâm phạm thương mại. Trong đó nhiều xe được các đối tượng nhập lậu về rồi gắn lên các thương hiệu xe máy nổi tiếng ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong lĩnh vực phụ tùng xe máy thì các hành vi chủ yếu là đặt tên sản phẩm na ná tên thương hiệu lớn để trục lợi. Mỗi năm, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý từ 400 đến 500 cửa hàng kinh doanh phụ tùng giả mạo, thu giữ khoảng 100.000 sản phẩm vi phạm.

Trong thời gian tới, Hiệp hội đề xuất lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, giả mạo thương hiệu để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng phương tiện giao thông.

 

Ngoài ra, nhiều đại biểu quan ngại, trong thời gian tới, các phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi hơn, bài bản hơn. Cụ thể, các đối tượng vi phạm ngày càng chuyên nghiệp, các đường dây buôn bán hàng giả ngày càng hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm có trình độ nhận thức cao hơn, tìm hiểu kỹ về các quy định của pháp luật nhằm lách luật để trốn tránh hoặc thực hiện không đúng phục vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm.

Các đối tượng cũng sẽ ứng dụng công nghệ số cho việc vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm trục lợi bất chính, đặc biệt là sử dụng máy móc hiện đại công nghệ cao, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) và video giả mạo… để tạo ra sản phẩm giả khó phân biệt bằng mắt thường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo sai sự thật. 

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia Đỗ Hồng Trung, trước tình hình mới, công tác thực thi chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác đặt ra nhiều thách thức và cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng một cách toàn diện, trách nhiệm, triệt để và đồng bộ các giải pháp.

Đối với các cơ quan chức năng, công tác chống hàng giả là nhiệm vụ lâu dài, quyết liệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ và công khai minh bạch từ phía các lực lượng. Trong thời gian tới, lực lượng liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, điều tra xử lý; kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới cửa khẩu, đường hàng không, cảng biển, ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý dữ liệu hàng hoá; có mã định danh hàng hoá, nguồn gốc hàng hoá và chủ thể hàng hoá bằng các giải pháp công nghệ số.

Lực lượng liên ngành cũng cần đẩy mạnh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, giám sát; AI và Machine Learning giúp phân tích dữ liệu giao dịch, đơn hàng, lịch sử vận chuyển để phát hiện bất thường, gian lận về giá, hóa đơn, thuế, thao túng giá, che giấu doanh thu... định vị GPS trong quản lý logistics để giám sát hàng hóa trong suốt chuỗi cung ứng.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ việc liên quan hàng giả, gian lận thương mại (giảm 21,45% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15% so với cùng kỳ), 3.271 đối tượng (tăng 70,99% so với cùng kỳ). Đặc biệt, chỉ trong 1 tháng cao điểm (từ 15/5-15/6/2025): Lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục