Cạnh tranh khốc liệt từ thị trường hàng không thống nhất ASEAN

17:29' - 23/11/2015
BNEWS Ông Lại Xuân Thanh: Việt Nam phải cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế và đảm bảo sự đồng bộ hóa trong khối ASEAN đối với lĩnh vực hàng không dân dụng.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị cho mình hành trang bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập.

Hàng không Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ cac hãng hàng không khác trong cùng khu vực ASEAN. Ảnh: TTXVN

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Khi chính thức gia nhập AEC vào cuối năm 2015, nền kinh tế Việt Nam; trong đó có lĩnh vực hàng không sẽ chứng kiến nhiều thay đổi. Vậy những thay đổi này là gì thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Có thể nói khi AEC được thành lập, thị trường hàng không sẽ có sự thống nhất trong các nước ASEAN. Để triển khai vấn đề này, trong suốt thời gian qua các nước ASEAN đã ký nhiều văn bản, nghị định thư để triển khai việc tự do hóa thị trường hàng không.

Có ba nội dung chính của thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Thứ nhất là có sự tự do hóa việc vận tải hàng không trong toàn bộ các thành viên ASEAN liên quan đến tất cả các thương quyền quốc tế, các hãng hàng không của các nước ASEAN sẽ tự do khai thác vận chuyển hàng không trong ASEAN tất nhiên là trừ vận tải hàng không nội địa.

Thứ hai là khi thực hiện thị trường hàng không thống nhất ASEAN, khi đó tất cả các thành viên sẽ phải thực hiện sự đồng bộ hóa các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh hàng không. Hay nói cách khác tất cả các quy định về an toàn, an ninh hàng không, các vấn đề về trao đổi, phối hợp với tất cả các đầu mối của các quốc gia trong việc đảm bảo an ninh hàng không sẽ được đồng bộ thống nhất hóa.

Một nội dung quan trọng khác nữa của thị trường hàng không thống nhất là vấn đề quản lý hoạt động bay. Nội dung này sẽ tiến tới việc thực hiện bầu trời thông suốt ASEAN. Bầu trời thông suốt ASEAN được hiểu là tất cả các quy định, quy trình và các tiêu chuẩn trong việc quản lý điều hành bay cũng phải được đồng bộ hóa.

PV: Vậy theo ông khi gia nhập AEC, ngành hàng không Việt Nam sẽ chịu những tác động như thế nào?

Ông Lại Xuân Thanh: Việc thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tất cả các hãng hàng không của các nước ASEAN trong việc khai thác thị trường hàng không rộng lớn trong toàn bộ các thành viên của khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực khi cộng đồng AEC tiến tới việc thực hiện giai đoạn hai là tự do hóa giữa ASEAN với các nước đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...

Tuy nhiên bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức mà các hãng hàng không ASEAN; trong đó có các hàng không Việt Nam phải đối mặt. Thách thức đầu tiên là mức độ cạnh tranh trong vận tải hàng không sẽ tăng lên rất nhiều trong các nước ASEAN.

Về vấn đề an ninh, an toàn, đảm bảo các hoạt động bay đây là vấn đề xương sống của ngành hàng không mỗi nước cũng như trong toàn bộ các nước ASEAN. Khi thành lập thị trường hàng không thống nhất các vấn đề trên cũng phải được đồng bộ hóa, nghĩa là chúng ta phải đạt được trình độ tương đương với các nước ASEAN với nhau.

Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn lên để không những đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) đề ra mà còn phải nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn để đáp ứng được sự đồng bộ hóa trong các nước ASEAN đối với lĩnh vực hàng không dân dụng.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TTXVN

Nghĩa là ngành hàng không của Việt Nam phải nâng cấp để đồng bộ hóa các tiêu chuẩn để đáp ứng được các tiêu chuẩn tiên tiến của ASEAN đưa ra.

Hiện tại, ngành hàng không của Việt Nam đã đạt được các tiêu chuẩn của ICAO đưa ra nhưng chúng ta phải phấn đấu tích cực để nâng lên một mức cao hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu mới.

Tuy nhiên về vấn đề quản lý, an toàn, an ninh hàng không của Việt Nam, đến thời điểm này chúng ta phải khẳng định không có nhiều thách thức bởi trong yêu cầu phát triển của mình, ngành hàng không Việt Nam đã đặt mục tiêu hướng tới việc hiện đại hóa tất cả các hoạt động hàng không của mình.

Riêng vấn đề quản lý hoạt động bay trong điều kiện bầu trời thông suốt sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay. Ngoài ra là cơ hội nâng cao hơn nữa việc quản lý an ninh, an toàn bay.

PV: Vậy các hãng hàng không Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội cũng như vượt qua các thách thức, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Bên cạnh những thuận lợi đối với ngành hàng không khi Việt Nam gia nhập AEC thì chúng ta cũng nhìn thấy được các thách thức đối với các hãng hàng không trong nước.

Rõ ràng trong một thị trường hàng không thống nhất thì mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Các hãng hàng không phải thực hiện các giải pháp để làm sao tận dụng tối đa các cơ hội mở rộng thị trường nhưng đồng thời cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị trong lĩnh vực vận tải hàng không nếu muốn tồn tại và phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quang Toàn (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục