Cấp bách trong chuyển đổi nghề khai thác hải sản

11:00' - 30/11/2023
BNEWS Giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển để phát triển nghề khai thác biển bền vững.

Cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi một số nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái đang là nhiệm vụ cấp bách của ngành thủy sản trong bối cảnh phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển để phát triển nghề khai thác biển bền vững.

Từng khai thác hải sản với nghề lưới kéo (giã cào), nhưng ông Nguyễn Trường, chủ tàu TS-6672-KH ở Khánh Hòa đã sớm chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Ông Trường cho biết, nghề giã cào với mắt lưới rất nhỏ, thường đánh bắt được cả các loại cá nhỏ. Khai thác lâu dài, nguồn lợi bị suy giảm và không có sản lương hiệu quả nên đã chuyển đổi sang nghề câu cá ngừ đại dương.

 

Ông Nguyễn Trường chia sẻ, những năm trước, hiệu quả khai thác khá tốt. Nhưng năm nay, giá cá ngừ ở mức thấp kéo dài nên hiệu quả khai thác cũng không cao. Bình thường ông đi biển quanh năm, nhưng năm nay, ông đã nghỉ 2 chuyến vì các chuyến đi đều bị thua lỗ, không đủ chi phí: dầu, nước đá, nhân công…

Không chỉ ông Trường mà nhiều ngư dân đang phải đối mặt với tình trạng khai thác hải sản không được hiệu quả như trước đây. Không chỉ do chi phí tăng cao mà còn bởi sản lương khai thác cũng đang ngày một thấp hơn. Điều này cũng dễ dẫn đến ngư dân phải đi khai thác sai vùng, sai tuyến.

Là địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước nên việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đang là áp lực lớn với Kiên Giang. Với mục tiêu đến năm 2025 phải thực hiện cắt giảm 2.550 tàu cá hoạt động xâm hại nguồn lợi, hoạt động không đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương phối hợp rà soát, đối chiếu, kiểm điếm tàu cá. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ các xưởng đóng tàu không đủ điều kiện trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân không tự phát đóng tàu ra khơi, từng bước thực hiện chuyển đổi nghề.

Kiên Giang cũng hướng đến giảm tỷ trọng đánh bắt tăng tỷ trọng nuôi trồng và xây dựng các mô hình chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân. Trước mắt, tỉnh chuyển đổi một số nghề phù hợp với người lao động đi biển như: nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề khai thác thủy sản. Để thực hiện việc chuyển đổi nghề, tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vốn vay cho ngư dân chuyển đổi từ hoạt động khai thác thủy sản sang nghề khác thân thiện với nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Từng bước giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đưa ra nhiều biện pháp để quản lý hoạt động tàu lưới kéo như cấm hoạt động khai thác trong mùa sinh trưởng, cấm đóng mới tàu giã cào bay, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Đến nay, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã giảm 20%. Tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh sang nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Địa phương đang dự tính chuyển đổi tàu lưới rê hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề du lịch trải nghiệm câu cá giải trí; chuyển đổi tàu lưới kéo sang các nghề khác…

Để khai thác hải sản phù hợp với khả năng khai thác bền vững của trữ lượng nguồn lợi thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.  Thực hiện đề án này, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đơn vị sẽ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khai thác hải sản, công tác đảm bảo chất lượng tàu cá, vùng hạn chế tàu cá được phép hoạt động trên biển. Theo đó, sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu để thay thế đối với các tàu mục nát, chìm đắm, mất tích, phá dỡ... nhưng phải đảm bảo cắt giảm số tàu trung bình hàng năm tối thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% số tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ trên tổng số tàu cá hiện có của địa phương.

Việc cấp giấy chấp thuận đóng mới theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới; không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu ngừ. Đồng thời, chủ động rà soát, cắt giảm tàu cá có nghề khai thác hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái tại địa phương.

Theo kế hoạch, Cục Thủy sản và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang sẽ tiến hành điều tra, đánh giá mức độ xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản của các nghề khai thác; xác định các nghề khai thác hải sản vùng trên các vùng biển để chuyển đổi nghề khai thác phù hợp với thực tế. Đồng thời, xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghề phù hợp với ngư trường, nguồn lợi thủy sản và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng…

Ông Trần Đình Luân cho rằng, các địa phương cần xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi và hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường gắn với hiện đại hóa tàu cá hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục