Cấp mã số vùng trồng giúp nông sản Phú Thọ vươn ra thế giới

07:30' - 24/12/2021
BNEWS Việc cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản của Phú Thọ mở rộng thị trường, vươn ra thế giới.
Đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Việc cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường; đồng thời, khuyến khích người dân nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

* Nông sản chủ lực đi xuất khẩu

Là một trong những hợp tác xã đầu tiên được cấp chứng nhận mã số vùng trồng trên cây chuối, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông cho biết, những năm trước, khi chưa được cấp mã vùng trồng, quả chuối tây của hợp tác xã xuất sang thị trường khó tính rất ít. Nhờ được cấp mã vùng trồng, việc xuất khẩu chuối được thuận lợi và nhiều hơn.

Hiện hợp tác xã đã rộng quy mô trồng chuối lên 60 ha; trong đó, khoảng 35ha chuối tây, 25ha chuối tiêu hồng, năng suất trung bình đạt gần 40 tấn/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn/năm, dự kiến trong năm 2021, hợp tác xã sẽ xuất khẩu khoảng 1.200 tấn chuối.

Anh Đào Mạnh Đạt, Giám đốc hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, huyện Đoan Hùng cho biết, ngay sau khi được cấp mã số vùng trồng, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu mua 36.000 quả bưởi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nga. Hiện hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn đang cùng với nhiều hộ dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, hiện tỉnh đã có 17 vùng nông sản tại địa phương được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; trong đó, có 7 vùng trồng chuối gồm: xã Thượng Nông, Hồng Đà, Hương Nộn, huyện Tam Nông; xã Vinh Tiền, huyện Tân Sơn; xã Mai Tùng, Vụ Cầu huyện Hạ Hòa; xã Vũ Yển, Đõ Sơn, Hoàng Cương, Mạn Lận huyện Thanh Ba; xã Phương Xá, Sai Nga huyện Cẩm Khê và 11 vùng trồng bưởi trên địa bàn tỉnh với diện với diện tích trên 90 ha; trong đó, 3 vùng tại huyện Đoan Hùng.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, hiện nay toàn tỉnh có gần 4.000 ha chuối, năng suất trung bình đạt trên 250 tạ/ha, sản lượng đạt trên 91.000 tấn, phần lớn sản lượng được xuất khẩu.

Đối với cây bưởi, hiện tổng diện tích toàn tỉnh đã đạt gần 5.500ha, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 3.500ha, năng suất gần 120 tạ/ha; sản lượng đạt trên 42.000 tấn. Sau khi được cấp mã vùng trồng, nhiều doanh nghiệp đã liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và dự kiến trong thời tới sẽ xuất khẩu sang một thị trường khó tính như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...

Theo ông Đạo, để đủ điều kiện xuất khẩu, tất cả diện tích chuối, bưởi đều áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh và xử lý thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Toàn bộ diện tích chuối, bưởi đã được cấp mã vùng trồng đều được ghi nhật ký, nhật trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và định vị vị trí trồng, đước dán ten, truy xuất nguồn gốc…

Cùng với đó, Chi Cục cũng phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm chuyên môn và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng mô hình giám sát an toàn thực phẩn, vùng trồng và cơ sở đóng gói, nâng cao nhận thức về sản xuất nông sản an toàn, hướng dẫn thiết lập, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ cho xuất khẩu.

*Xây dựng mã số vùng trồng

 

Tỉnh Phú Thọ là địa phương có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú mang tính đặc trưng, đặc sản, tiêu biểu như bưởi, chè xanh, chuối, lúa gạo, rau… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương chưa vươn tới thị trường nước ngoài.

Nguyên nhân là do sản phẩm chưa đáp ứng được một số yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng của sản phẩm chưa đạt yêu cầu về xuất khẩu. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh việc sản xuất chưa thu hút được doanh nghiệp có quy mô, tiềm lực đầu tư liên kết sản xuất sản phẩm chất lượng, hướng tới xuất khẩu còn hạn chế.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phần lớn quy mô hộ nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Đây cũng là nguyên nhân khiến số sản phẩm được cấp mã số vùng trồng còn ít.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp đang khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản Phú Thọ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cũng đang tiếp tục phối kết hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch quản lý, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, vùng nuôi đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản trên địa bàn.

Cùng đó, lựa chọn đối tượng, quy mô để cấp mã số sản xuất; xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo đúng quy chuẩn quốc gia.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục  hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, tạo thuật lợi cho xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục