Cập nhật COVID sáng 5/6: Mỹ Latinh cán mốc 1 triệu ca mắc, Việt Nam 0 ca mắc mới

06:25' - 05/06/2020
BNEWS Khu vực Mỹ Latinh là tâm dịch mới của thế giới đã có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 và gần 45.500 ca tử vong; trong đó Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất.

Cập nhật mới nhất COVID-19 trên trang mạng worldometers.info cho biết, tính đến 6h sáng 5/6 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã bùng phát tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 6,7 triệu người mắc; trong đó có hơn 391 nghìn người đã tử vong.
Mỹ vẫn là nước vừa có số người mắc COVID cao nhất thế giới và tử vong cao nhất (hơn 1,9 triệu người mắc và hơn 110 nghìn ca tử vong). Đứng thứ hai là Brazil với hơn 606  nghìn ca mắc và hơn 33 nghìn ca tử vong. Tiếp theo là Nga với hơn 441 nghìn ca mắc và  5.384 ca tử vong; Tây Ban Nha với gần 288 nghìn ca mắc và hơn 27 nghìn ca tử vong; Anh với gần 282 nghìn ca mắc và gần 40 nghìn ca tử vong.
Tính đến sáng 5/6, thế giới có hơn 3,2 triệu bệnh nhân khỏi bệnh trong khi vẫn còn 2% bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

 

Còn tại Việt Nam, cập nhật đến 6h sáng 5/6, 0 ca mắc mới. Tính đến giờ, Việt Nam có 328 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, hôm nay là ngày thứ 50 liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. 
DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Vũ Hán (Trung Quốc) tuyên bố không còn virus SARS-CoV-2
Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, vừa tuyên bố thành phố này đã an toàn trước đại dịch COVID-19, khi một chiến dịch xét nghiệm bao trùm toàn bộ gần 10 triệu người dân thành phố trong khoảng thời gian từ ngày 14/5 đến ngày 1/6 không phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan y tế công cộng ở tỉnh Hồ Bắc cho biết kết quả xét nghiệm không phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh. Có 300 người ban đầu có kết quả dương tính mà không cho thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra kỹ hơn cho thấy, không ai trong số 300 trường hợp này được xác nhận là bị nhiễm virus.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên 106 mẫu virus từ các trường hợp dương tính không có triệu chứng cho thấy virus này không hoạt động. Còn theo giới chức Vũ Hán, toàn bộ 1.174 người đã tiếp xúc với những người này đều cho kết quả âm tính với virus.
*Đan Mạch phát triển robot lấy mẫu xét nghiệm tự động 
Đan Mạch đã phát triển thành công một robot có thể hoàn toàn chủ động lấy mẫu thử virus SARS-CoV-2. Robot được phát triển với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể sử dụng các camera để "tìm đường" vào họng của người cần lấy mẫu thử và lấy dịch họng của họ một cách nhẹ nhàng. 

Theo đó, sau khi bệnh nhân xuất trình thẻ căn cước công dân, robot sẽ chuẩn bị một bộ dụng cụ xét nghiệm và tiến hành toàn bộ quá trình lấy mẫu từ đầu tới cuối. 
Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Nam Đan Mạch (SDU) và Lifeline Robotics.
*Độc đáo sáng kiến phòng dịch ở Thái Lan
Nhiều trung tâm thương mại ở Thái Lan đang đặt chó robot săn đón mời chào khách sát khuẩn tay. Chú chó robot có tên K9 được điều khiển bằng 5G - công nghệ Internet tốc độ cực cao đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm ở Thái Lan. Với một bình chứa dung dịch sát khuẩn gắn trên lưng, nhiệm vụ của chú chó K9 là dạo quanh bên trong các trung tâm thương mại để giúp các khách hàng có thể rửa tay mọi lúc mọi nơi. 
Ngoài chó robot K9, các trung tâm thương mại ở Thái Lan cũng đang đưa vào hoạt động hai thiết bị ứng dụng công nghệ 5G khác là robot đo thân nhiệt ROC và robot dịch vụ khách hàng LISA.
*EU sẽ chi 2,4 tỷ euro mua vaccine phòng COVID
EU sẽ sử dụng quỹ khẩn cấp (ESI) 2,4 tỷ euro để thúc đẩy việc mua trước các loại vaccine được hy vọng sẽ phòng ngừa bệnh COVID-19.

Quỹ ESI cũng sẽ được sử dụng để tăng khả năng sản xuất vaccine tại châu Âu, đồng thời đưa ra một đảm bảo trách nhiệm pháp lý cho các công ty dược phẩm.
Nỗ lực của EU được đưa ra sau khi Mỹ có các động thái nhằm đảm bảo mua được các loại vaccine đang được bào chế, trong đó có gần 1/3 trong số 1 tỷ liều đầu tiên dự kiến được đưa ra thử nghiệm của hãng dược AstraZeneca.
*Diễn biến lo ngại tại tâm dịch mới của thế giới 
Tại Brazil, bang Bahia đã ban bố lệnh giới nghiêm, có hiệu lực đến ngày 9/6, từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau tại 19 tỉnh thành của để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo đó, các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ, trung tâm giải trí đều phải đóng cửa trừ các cửa hàng bán đồ thiết yếu.

Chile đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa thủ đô Santiago thêm 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần hết hạn. Bộ Y tế Chile cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 5.000 ca nhiễm mới và 87 ca tử vong. 
Peru ngày 4/6 tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chăn đại dịch COVID-19, trong bối cảnh đất nước Nam Mỹ này đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil.
Tại Bolivia, các hãng hàng không đã bắt đầu nối lại các chuyến bay nội địa sau gần 3 tháng tạm dừng để thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Theo đó, 7 thành phố thủ phủ của 9 khu vực đã được phép thực hiện các chuyến bay thương mại.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khu vực chưa được phép nối lại các chuyến bay là Santa Cruz ở miền Đông, nơi có tới 70% số ca nhiễm trên toàn bộ lãnh thổ Bolivia và Beni ở phía Đông Bắc giáp với Brazil, nơi cũng ghi nhận khoảng 18% số ca nhiễm cho dù dân số chưa đầy 500.000 người.
Giới chức y tế Bolivia cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô La Paz hiện là 614 ca và có thể sẽ tăng gấp đôi vào cuối tuần khi mà các hoạt động kinh tế xã hội đang dần trở lại bình thường. 
* Số ca mắc mới tại Trung Đông tăng mạnh
Ngày 4/6, Iran đã có 3.574 ca mắc COVID-19 mới - mức bệnh nhân mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng Hai vừa qua. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp, số bệnh nhân tại Iran vượt qua con số 3.000 ca mới. Ngoài ra, Iran cũng xác nhận 59 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua.
Trong ngày 4/6, Iraq đã có 781 ca nhiễm mới - số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở nước này. Thủ đô Baghdad là nơi có số ca nhiễm mới cao nhất với 437 ca. Iraq cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất với 21 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 256 trường hợp. Theo dự báo của Bộ Y tế, trong những ngày tới, số ca nhiễm mới ở nước này sẽ tiếp tục tăng, dao động từ 600-800 ca.
*Nam Á với các “kỷ lục” mới
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua đã có 9.324 ca mắc COVID-19 - con số cao nhất từ trước đến nay, đồng thời có thêm 260 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ hiện là là 216.919 trường hợp, với 6.075 ca tử vong.

Thủ đô New Delhi ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm mới và là mức tăng cao nhất trong một ngày, theo đó tổng số ca nhiễm ở thành phố này đến nay là 23.645 người. Chính quyền thủ đô đã thành lập một ủy ban gồm 5 thành viên nhằm nghiên cứu tăng cường cơ sở hạ tầng y tế và đánh giá năng lực ứng phó tổng thể của các bệnh viện trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tại Pakistan, số người mắc COVID-19 trong ngày 4/6 đã vượt Trung Quốc. Với mức tăng kỷ lục 4.688 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Pakistan đã ghi nhận 85.246 ca mắc bệnh, xếp thứ 17 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
*Châu Âu trong tiến trình mở cửa lại biên giới
Tây Ban Nha sẽ mở lại biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 22/6 tới sau 3 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Theo đó, những người nhập cảnh sẽ không còn phải cách ly bắt buộc 14 ngày.

Tây Ban Nha đã đóng cửa biên giới với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 17/3 vừa qua, ba ngày sau khi áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc để chống COVID-19. Kể từ ngày 15/5 vừa qua, gần như toàn bộ các du khách quốc tế đến Tây Ban Nha đều phải tự cách ly trong 2 tuần. Theo kế hoạch ban đầu, biện pháp sẽ kéo dài đến ngày 1/7 đối với những người nhập cảnh qua đường hàng không hoặc đường thủy.
Pháp tuyên bố sẽ không tổ chức lễ duyệt binh trong Ngày Quốc khánh (14/7) do các quy định giãn cách xã hội, thay vào đó sẽ tổ chức một buổi lễ tri ân các nhân viên y tế đang gồng mình với cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Thông báo của Điện Elysee nêu rõ thay vì duyệt binh và phô diễn khí tài quân sự trên đại lộ Champs-Elysees như mọi năm, lễ kỷ niệm năm nay sẽ diễn ra ở quy mô nhỏ hơn tại quảng trường Place de la Concorde, với sự tham gia của 2.000 người và 2.500 khách mời. Tất cả những người tham gia đều sẽ tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Điểm nhấn của buổi lễ chính là hình ảnh các máy bay biểu diễn trên không.
Phần Lan thông báo không có thêm ca mắc COVID-19 nào trong ngày 4/6. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 tháng, quốc gia châu Âu này không có thêm ca mới trong ngày.
Kể từ giữa tháng Năm vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt từ ngày 18/3 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền vẫn thận trọng trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai vào cuối năm nay, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ giãn cách, tự cách ly và tìm cách xét nghiệm nếu có triệu chứng nhiễm virus./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục