Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 10/4

06:14' - 10/04/2020
BNEWS Trong 24h qua, thế giới có thêm 80.203 người mắc COVID-19 và 6.946 người tử vong. Lệnh phong tỏa tiếp tục được kéo dài và tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất phòng dịch vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia

Theo số liệu cập nhật từ worldometers.info lúc 5h45 ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), tính riêng trong 24h qua, thế giới có thêm 80.203 người mắc mới COVID-19 và 6.946 người tử vong.

Như vậy, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra trên toàn cầu đã lên tới 1.598.226 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã lên tới 95.403 người.

Đến nay, thế giới cũng ghi nhận 355.401 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh (chiếm hơn 22,2%), trong khi vẫn còn tới 48.953 ca đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch (chiếm khoảng 3,9% số ca đang điều trị).

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 465.088 ca mắc và 16.510 ca tử vong do COVID-19, tăng lần lượt 30.161 và 1.722 ca so với 1 ngày trước đó. Đây cũng là 2 số liệu tăng cao nhất trên thế giới trong ngày.

Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 153.222 ca mắc và 15.447 ca tử vong, tăng lần lượt 5.002 và 655 ca trong ngày (giảm hơn so với số liệu một ngày trước đó).

Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 xu hướng tăng cao trở lại về số ca mắc mới và tử vong trong ngày với lần lượt là 4.204 và 610 ca, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên 143.626 và 18.279.

Pháp và Đức liên tục có sự thay đổi vị trí với số ca nhiễm trong ngày đều ở mức cao. Cụ thể, Pháp có gần 4.800 ca nhiễm mới chỉ trong 24h và có tới 1.341 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 117.749 người và tổng số tử vong đã vượt 12.000 ca.

Trong khi đó tại Đức, 4.416 ca nhiễm mới và 180 ca tử vong được ghi nhận trong ngày. Tính đến nay, Đức có 117.712 ca nhiễm và 2.529 ca tử vong.

Tại Trung Quốc, ngày 9/4, giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc nên từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ hai” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi hàng nghìn người dân ở tâm dịch Vũ Hán cuối cùng cũng được phép di chuyển khỏi thành phố này từ ngày 8/4.

Theo các số liệu báo cáo chính thức, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, Vũ Hán đã ghi nhận hơn 50.000 ca mắc và tổng số ca tử vong cao nhất Trung Quốc (chiếm 80% trong số 3.333 ca tử vong ở Trung Quốc tính đến ngày 8/4).

Còn tại Việt Nam, ngày 9/4 ghi nhận thêm 4 ca bệnh COVID-19 mới, trong đó có 2 ca tiếp xúc với bệnh nhân 243 và 2 ca từ nước ngoài về, nâng tổng số ca bệnh lên thành 255.

Theo báo cáo của tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngoài 4 ca bệnh mới được ghi nhận, trong ngày 9/4 cũng có 2 ca bệnh được công bố khỏi bệnh và ra viện, đưa tổng số ca khỏi bệnh cả nước lên 128 ca.

Trong số các ca còn đang điều trị, 17 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2, 16 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

*Các nước kéo dài lệnh phong tỏa

Trong thông điệp quốc gia phát trực tiếp trên truyền hình tối 9/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nước này sẽ kéo dài thời hạn hiệu lực của lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc nhằm ngăn chặn tối đa đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được kéo dài thêm hai tuần sau khi 21 ngày phong tỏa đầu tiên kết thúc vào hôm 16/4 tới.

Theo ông Ramaphosa, nếu không thực hiện việc kéo dài lệnh phong tỏa, Nam Phi sẽ đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát trước đà lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19, làm uổng phí những thành quả bước đầu đạt được cũng như những hy sinh trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa 2 tuần vừa qua.

Cùng ngày 9/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo nước này sẽ đóng cửa biên giới đến ngày 3/5 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, ông Morawiecki cũng cho biết chính phủ sẽ gia hạn các biện pháp đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh đến ngày 19/4 tới, đồng thời hạn chế hoạt động của các trường học, ngành vận tải đường sắt và hàng không thêm 2 tuần nữa.

>>>Hiệu quả của giãn cách xã hội tại Trung Quốc

Tương tự, Chính phủ Phần Lan cùng ngày 9/4 xác nhận sẽ gia hạn thêm 1 tháng đối với đa số các biện pháp hạn chế hoạt động được triển khai trên toàn quốc nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Nhà chức trách nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada... ngày 9/4 đã kêu gọi người dân tiếp tục ở trong nhà và hạn chế ra ngoài ở yên tại nhà, nhất là trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới do lo ngại rằng nhu cầu gặp mặt gia đình và bạn bè tăng cao trong dịp lễ này sẽ khiến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bị đổ xuống sông xuống bể.

Chính phủ Anh cho biết mặc dù lệnh phong tỏa toàn quốc được chấp hành rộng rãi và đã giúp phần nào giảm bớt đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 song sức chịu đựng của người dân đang bị thử thách trong bối cảnh thời tiết đang ấm áp dần lên mỗi ngày, thôi thúc người ta ra ngoài để tận hưởng không khí dễ chịu mùa Xuân.

*Thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở vật chất chống dịch

Ngày 9/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các điều kiện và cơ sở cần thiết (như giường bệnh, máy thở nhân tạo…) để đối phó với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây bệnh đang lây lan nhanh trên khắp châu lục.

Thống kê của WHO tại 43 quốc gia châu Phi cho thấy trong các bộ phận chăm sóc đặc biệt của bệnh viện không có tới 5.000 giường bệnh. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 5 giường bệnh trên 1 triệu người ở các nước kể trên, so với khoảng 4.000 giường bệnh trên 1 triệu người ở các nước châu Âu.

Các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng cần thiết phải được chuyển đến các bộ phận chăm sóc đặc biệt, nơi được trang bị các máy thở nhân tạo để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, số liệu của WHO tại 41 quốc gia châu Phi cho thấy các nước này chỉ có khoảng 2.000 máy thở nhân tạo sẵn sàng phục vụ trong hệ thống y tế cộng đồng.

>>>AfDB ra mắt quỹ tín dụng 10 tỷ USD giúp các nước châu Phi ứng phó dịch COVID-19

*Kêu gọi xử lý đề xuất vay nợ chống dịch

Ngày 9/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Abdolnaser Hemmati đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xử lý đề nghị của Tehran về gói vay khẩn cấp chống đại dịch COVID-19. Ông Hemmati cho rằng, hồi âm của IMF sẽ là phép thử đối với những lời kêu gọi về cứu trợ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Trước đó, truyền thông Iran ngày 12/3 đưa tin, CBI đã yêu cầu IMF cho vay 5 tỷ USD để chống đại dịch COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, các báo cáo cho hay, Mỹ đã ngăn chặn đề nghị của Iran về khoản vay vừa đề cập.

Trong khi đó, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 8/4 nhấn mạnh, việc bác bỏ đề nghị của Iran vay tiền của IMF trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại nước này là "không thể chấp nhận được" và "không công bằng".

Dịch COVID-19 đẩy thế giới vào suy thoái nghiêm trọng

*Phản ứng quanh đề xuất tung trái phiếu corona

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 9/4 đã bác bỏ đề nghị của Italy về việc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tung ra trái phiếu - còn gọi là trái phiếu corona - để giảm nhẹ tác động về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo nhà lãnh đạo Đức, các nước có cách nhìn nhận khác nhau trong việc tìm ra công cụ phù hợp cho mục đích này. Tuy nhiên, Đức không muốn có nợ chung và đó là lý do Berlin phản đối việc tung ra cái gọi là trái phiếu corona.

Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ tin tưởng có nhiều cách để bày tỏ tình đoàn kết, đồng thời hy vọng châu Âu sẽ tìm kiếm được giải pháp chung. Bà Merkel cũng nhấn mạnh việc kiểm soát những thiệt hại về kinh tế trong EU thông qua 3 công cụ, gồm chương trình tín dụng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) và Chương trình rút ngắn thời gian làm việc của châu Âu.

>> CẬP NHẬT DIỄN BIẾN MỚI NHẤT VỀ DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục