Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 12/4

06:04' - 12/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất tính đến 5h45 ngày 12/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã có 108.544 người tử vong vì COVID-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 12/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.775.201 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi số ca tử vong đã lên tới 108.544  trường hợp. Tăng 76.320 ca mới và 5.857 ca tử vong so với sáng qua.

Đến nay, trên toàn cầu đã có 401.517 bệnh nhân COVID-19 bình phục hoàn toàn, trong khi có 50.397 trường hợp đang nguy kịch, chiếm 4%. Đại dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo thống kê của worldometers.info, Mỹ đã vượt qua Italy trở thành nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tính đến nay, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 20.513 người tại Mỹ, đồng thời Mỹ cũng đứng đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2, với 530.384 trường hợp.

Sau Mỹ, Italy đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19 với 19.468 ca nhưng nước này chỉ có 60 triệu dân, bằng 1/5 quy mô dân số của Mỹ. Tây Ban Nha đứng thứ ba về số ca tử vong với 16.606 trường hợp.

Tại Việt Nam, sáng 12/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có 25 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Theo bản tin phát lúc 6h00 ngày 12/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Hiện vẫn là 258 ca. Số ca bệnh có xét nghiệm âm tính với virus gây COVID-19 hiện là 25 Trong các trường hợp mắc, có 159 người từ nước ngoài chiếm 61,6%; 99 người lây nhiễm thứ phát.

Tại nguồn lây nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, vào hồi 00 giờ ngày 12/4/2020, lực lượng chức năng chính thức dỡ cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày thực hiện cách ly theo quy định.

Xem thêm: Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Việt Nam đến 6h ngày 12/4

*Thử nghiệm vaccine chống dịch COVID-19 của Italy cho kết quả tích cực:

Các thử nghiệm tiền lâm sàng đầu tiên của 5 loại vaccine do công ty Takis của Italy phát triển đã cho những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ và đã tạo ra những kháng thể mạnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Giám đốc Takis, ông Luigi Aurisicchio cho biết: “Sau những thí nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã tìm thấy những kháng thể mạnh. Kết quả của mô hình tiền lâm sàng cũng cho thấy kết quả khác nhau của 5 loại vaccine đang được thử nghiệm”.

Cũng theo ông Aurisicchio, tất cả 5 loại vaccine được phát triển để ngăn chặn “vũ khí” chính mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm chiếm các tế bào, đó là protein Spike. Trong số 5 loại vaccine đang được thử nghiệm, có 2 loại hiện đang cho kết quả tích cực.

Video: Hàn Quốc gắn vòng tay điện tử kiểm soát người cách ly

*Hàn Quốc gắn vòng tay điện tử kiểm soát người cách ly

Nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc ngày 11/4 thông báo sẽ gắn vòng tay điện tử đối với những người vi phạm các quy định tự cách ly.

Tính đến hết ngày 9/4, hơn 54.000 người tại Hàn Quốc đang tự cách ly, trong đó hơn 160 người bị phát hiện vi phạm các quy định.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm phòng thí nghiệm ở London, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

*Sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson có chuyển biến tích cực

Sau gần một tuần nhập viện điều trị bệnh COVID-19, nhà lãnh đạo 55 tuổi này đã rời phòng điều trị tích cực được hai ngày và quá trình điều trị ghi nhận chuyển biến tốt. Trong ngày 10/4, Thủ tướng Johnson đã có thể đi được một đoạn ngắn và "tinh thần rất tốt".

Liên quan tình hình dịch bệnh tại Anh, theo số liệu cập nhật mới nhất tính đến 20h30 ngày 11/4 (giờ Việt Nam) của Bộ Y tế Anh, nước này ghi nhận thêm 917 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 9.875 người. 

Trong khi đó, số người nhiễm bệnh là gần 78.991 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số trường hợp tử vong tại Anh gia tăng thêm gần 1.000 người trong vòng 24 giờ.

*Nhiều nước vẫn cấm đi lại trong dịp nghỉ lễ Phục sinh

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng, các nước tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần.

Italy đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Chính phủ Italy vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đi lại của người dân, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn trong dịp lễ.

Thụy Sĩ đã kêu gọi người dân tôn trọng các quy định về đi lại trong dịp nghỉ lễ Phục sinh khi mà số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã vượt ngưỡng 1.000. Chính phủ Thụy Sĩ đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại người dân thêm một tuần nữa, cho đến ít nhất là ngày 26/4.

Litva quy định kể từ tối 10/4 đến ngày 13/4, quốc gia Baltic này đã áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, thành phố và thị trấn nhằm hạn chế người dân đến thăm hỏi người thân trong dịp nghỉ lễ Phục sinh. 

Ireland đã gia hạn sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế ra đường, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt đi mua thực phẩm hoặc thuốc thang, cho đến ngày 5/5. Ireland sẽ lùi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám trong khi kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được thay thế bằng các bài kiểm tra và đánh giá tại trường. 

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu công dân tại 31 thành phố (trong đó có cả ở thủ đô Ankara cùng thành phố Istanbul) ở nhà trong 48 tiếng, cho tới tối 13/4.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi người dân trên cả nước đảm bảo thực thi nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội, không tới các tụ điểm đông người như quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng.

Trước việc một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trước những diễn biến về dịch chậm lại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước này nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19 vì việc này có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh. 

*Mỹ cho học sinh nghỉ học hết năm

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính quyền thành phố New York của Mỹ đã quyết định cho học sinh nghỉ học hết năm học năm nay.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio nêu rõ các trường học công lập trong thành phố sẽ đóng cửa nốt niên khóa này. Ông nêu rõ các cơ quan chức năng đang xem xét một kế hoạch tổng thể để mở cửa lại trường học vào tháng Chín tới.

Trong ngày 11/4, New York ghi nhận thêm 783 ca tử vong do COVID-19, tăng 6 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại New York lên 8.627 người.

*Trung Quốc ghi nhận chỉ yếu các ca mắc mới từ nước ngoài 

Ngày 11/4, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo ngày 10/4, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 46 ca mắc và 3 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong số ca mới, 42 ca từ nước ngoài nhập cảnh trong khi 4 ca được ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng gồm 3 ca tại tỉnh Quảng Đông và 1 ca tại tỉnh Hắc Long Giang. Ba ca vừa tử vong đều tại tỉnh Hồ Bắc và thêm 8 ca bệnh nghi ngờ đều từ nước ngoài về.

Bên cạnh đó, thêm 34 ca mắc mới không có triệu chứng bệnh, bao gồm cả 7 người từ nước ngoài về. Tổng cộng 14 ca không có triệu chứng bệnh, đều là những người từ nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc, được xếp vào các ca mắc trong khi 25 ca kết thúc thời gian giám sát y tế. NHC cho biết 1.092 ca không có triệu chứng, trong đó có 338 ca từ nước ngoài, vẫn đang được giám sát y tế.

Các vùng lãnh thổ của Trung Quốc gồm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đến nay ghi nhận 989 ca mắc với 4 ca tử vong, Macau 45 ca mắc và Đài Loan 382 ca mắc với 6 ca tử vong. Trong khi đó, số ca được chữa khỏi bệnh và xuất viện tại Hong Kong, Macau và Đài Loan lần lượt là 309, 10 và 91 ca.

* Người gốc Việt ở Đức đầu tiên tử vong do bệnh COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 11/4, một người Đức gốc Việt đã qua đời tại bang München do mắc COVID-19. 

Ông Phạm Trường Giang - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main cho biết người tử vong là ông Nguyễn Đức Sơn, sinh năm 1962, quê quán tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trước đó, ông Sơn đã bị lây bệnh COVID-19 từ vợ.

Liên quan tình hình dịch ở Đức, tính đến 5h45 sáng 12/4 theo giờ Việt Nam, trên cả nước Đức đã ghi nhận 124.908  ca dương tính với SARS-CoV-2, trên 57.400 ca khỏi bệnh và 2.736 ca tử vong. 

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới bắt đầu giảm ở Đức trong vài ngày qua, tuy nhiên lãnh đạo nhiều bang ở Đức vẫn phản đối việc sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định sẽ không có nới lỏng giãn cách xã hội cho tới ít nhất ngày 19/4 tới.

*Giải quyết khủng hoảng nguồn cung khẩu trang

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn viễn thông SoftBank Group Corp, ông Masayoshi Son, mới đây đã đảm bảo sẽ cung cấp 300 triệu khẩu trang mỗi tháng cho Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 5/2020, sau khi đạt được thoả thuận với nhà sản xuất xe điện BYD Co Ltd của Trung Quốc.

Việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn cung là ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản dự định phân phát hai chiếc khẩu trang vải cho các hộ gia đình vào tuần tới, song động thái này đang bị chỉ trích rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội là không thỏa đáng. Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu sản xuất 700 triệu khẩu trang dùng một lần.

Thái Lan cũng đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang và thiết bị y tế khiến các đối tượng trục lợi buôn lậu hoạt động mạnh. Trước tình trạng khan hiếm, Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) đã đầu tư hơn 100 triệu baht (hơn 3 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất khẩu trang. 

Nhờ những nỗ lực của các công nhân, nhà máy này đã hoàn thành trước thời hạn 5 tuần và sẽ đi vào sản xuất từ 16/4 sau khi nhận được giấy phép của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm. 

Theo Chủ tịch CP Dhanin Chearavanont, nhà máy sẽ sản xuất 3 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi tháng để phân phối cho các nhân viên y tế thông qua Bệnh viện Chulalongkorn. Sản lượng của nhà máy có thể được tăng thêm để phân phát miễn phí cho người dân Thái Lan.

*Tiếp tục mở rộng quy mô các gói hỗ trợ kinh tế

Trong tuần qua (6-12/4), chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới đã liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế và đồng loạt triển khai các biện pháp khác nhau nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch này tới nền kinh tế, vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu đang được coi là “tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần 2”. 

Bắc Mỹ 

*Mỹ: Ngày 9/4, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo đó, Fed sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô tới 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD và sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế. 

 *Canada: Theo kế hoạch, Quốc hội Canada sẽ nhóm họp trong ngày 11/4 để xem xét các biện pháp bổ sung của Chính phủ Canada nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, mà cụ thể là gói trợ cấp lương khẩn cấp trị giá 73 tỷ đôla Canada - CAD (trên 52 tỷ USD).

Theo đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có doanh thu bị giảm ít nhất 15% trong tháng 3/2020 sẽ được nhận gói trợ cấp lương này. 

Mỹ Latinh 

* CAF: Ngày 8/4, Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) đã thông báo quyết định về việc cấp một gói tín dụng trị giá tới 2,5 tỷ USD để hỗ trợ các nước thành viên đối phó với tình trạng khẩn cấp do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra..

Trước đó CAF cũng đã thông qua một gói tín dụng trị giá 50 triệu USD cho mỗi nước thành viên để hỗ trợ cho hệ thống y tế công của các nước Argentina, Ecuador, Panama, Paraguay, Peru,Trinidad và Tobago, và Uruguay. 

* Chile: Ngày 8/4, Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo quyết định thành lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cho những người lao động không chính thức bị ảnh hưởng lệnh tình trạng khẩn cấp và cách ly xã hội trước diễn biến phức tạp của COVID-19.

*Chính phủ Argentina cũng đã thông qua một chương trình trợ cấp, bổ sung lương và vay vốn trị giá 550 tỷ pesos (khoảng 8 tỷ USD) để hỗ trợ cho các thành phần bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly xã hội. 

EU: Các Bộ trưởng tài chính châu Âu đã đồng ý về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (546 tỷ USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. 

Châu Á - Thái Bình Dương: 

* Indonesia: Chính phủ Indonesia sẽ dành 3.200 tỷ rupiah (210 triệu USD) để cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho khoảng 1,8 triệu hộ gia đình tại vùng đô thị Jakarta (gồm thủ đô Jakarta và các vùng phụ cận) trong 3 tháng, bắt đầu từ tuần tới. Chính phủ cũng sẽ phân bổ tổng cộng 37.200 tỷ rupiah cho 19 triệu hộ gia đình sinh sống ở ngoài vùng đô thị Jakarta, và 360 tỷ rupiah cho khoảng 197.000 lái xe của ngành vận tải công cộng. 

* Hàn Quốc: Chính phủ sẽ bơm thêm khoảng 56.000 tỷ won (46 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế bổ sung, nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vượt qua những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong gói kích thích mới, 36.000 tỷ won (29,5 tỷ USD) sẽ được cung cấp cho lĩnh vực tài chính thương mại, bao gồm 30.000 tỷ won (24,6 tỷ USD) để gia hạn thời gian đáo hạn của bảo hiểm thương mại cho các nhà xuất khẩu thêm 1 năm và hỗ trợ bảo lãnh xuất khẩu, 5.500 tỷ won (4,5 tỷ USD) để hồi sinh các hoạt động thương mại và 1.000 tỷ won (820 triệu USD) cấp thanh khoản khẩn cấp. 

* Australia: Quốc hội Australia đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay với tổng trị giá 130 tỷ AUD (gần 80 tỷ USD). Gói hỗ trợ này tập trung vào việc trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội đã được Quốc hội nước này phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 

* Singapore: Singapore đã công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 5,1 tỷ SGD (3,55 tỷ USD) bao gồm hỗ trợ lương, miễn thuế và các khoản thanh toán một lần để chống lại tác động của dịch COVID-19. Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Singapore công bố các biện pháp hỗ trợ mới trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nguy cơ kinh tế suy thoái sâu. 

 Châu Phi: 

* AfDB: Ngày 8/4, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ra mắt quỹ ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia châu Phi các công cụ tài chính cần thiết, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực tại các nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn này.

Trong một thông báo cùng ngày, định chế tài chính có trụ sở tại Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) cho biết sẽ phân bổ 5,5 tỷ USD tới các chi nhánh AfDB tại các nước trong châu lục, đồng thời ủy nhiệm việc quản lý khoản 3,1 tỷ USD cho Quỹ Phát triển châu Phi (ADF) – một bộ phận trực thuộc AfDB chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các quốc gia nghèo.

Bên cạnh đó, AfDB sẽ dành khoản tài chính trị giá 1,3 tỷ USD hỗ trợ riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân tại châu Phi./.

“Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục