Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tại Việt Nam đến 6h ngày 12/4

06:34' - 12/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến 6h ngày 12/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có 25 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Sáng 12/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có 25 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Theo bản tin phát lúc 6h00 ngày 12/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Hiện vẫn là 258 ca. Số ca bệnh có xét nghiệm âm tính với virus gây COVID-19 hiện là 25

Trong số: 258 trường hợp, trong đó:

- 159 người từ nước ngoài chiếm 61,6%;

- 99 người lây nhiễm thứ phát.

Trước đó, ngày 11/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 mới đến từ Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Cụ thể: CA BỆNH 258 (BN258): Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam,  trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là mẹ BN257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/4.

Tổng số ca mắc mới tính đến 6h ngày 12/4
* 0h ngày 12/4 Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ bỏ phong toả

Chiều 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đã ký ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Việc kết thúc cách ly này có hiệu lực kể từ 0h ngày 12/4.

Vào hồi 00 giờ ngày 12/4/2020, tại Hà Nội, lực lượng chức năng chính thức dỡ cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày thực hiện cách ly theo quy định.

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện cách ly y tế đủ 14 ngày, đáp ứng đủ các yêu cầu như quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, quận Đống Đa quyết định kết thúc việc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện có thể tiếp tục thực hiện công tác khám, chữa bệnh bình thường.

>>0h ngày 12/4 Bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ bỏ phong toả

Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 và Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 28/3/2020, về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.

* Không lơi lỏng, chủ quan trong phòng chống dịch

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Chiến lược ngăn chặn, cách ly khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả là đúng đắn, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch; đặc biệt việc cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là kết quả rất đáng mừng.

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao. Các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

*Chấn chỉnh tình trạng tụ tập đông người, tham gia giao thông đông đúc

Hiện nay, đã có hiện tượng người dân một số địa phương không chấp hành nghiêm Chỉ thị, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra ngoài đường không đeo khẩu trang…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng quy định, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng…

*Khẩn trương phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly, dập dịch triệt để

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc khẩn trương phát hiện các ca nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng và cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để, dứt khoát; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc khai báo y tế.

Bộ Y tế tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có quy trình chặt chẽ về đón tiếp, khám bệnh, điều trị đối với người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm; chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm việc tại các cơ sở cách ly và cơ sở y tế.

*Đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế, khẩu trang, máy thở

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện việc hỗ trợ, viện trợ xuất khẩu một số loại trang thiết bị, vật tư y tế, khẩu trang các loại, lưu ý thực hiện tốt việc hợp tác, hỗ trợ Lào, Campuchia và một số nước; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu, ứng dụng để chế tạo, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh.

* Không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có công văn khẩn số 1983/CV-BCĐ gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu.

>> Dịch COVID-19: Không thực hiện dịch vụ xét nghiệm virus SAR-CoV-2 theo yêu cầu

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho phòng xét nghiệm trên địa bàn để đảm bảo có thể xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại chỗ.

* THÔNG TIN TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG:

- Thành phố Hồ Chí Minh Từ ngày 11/4, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ga Sài Gòn triển khai việc kiểm tra khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với tất cả hành khách đi tàu về ga Sài Gòn (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi được nhân viên y tế kiểm tra đầy đủ thông tin cá nhân, hành khách sẽ nhận phiếu xác nhận kiểm tra y tế và chuyển vào khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi được lấy mẫu dịch họng và mũi, nhân viên y tế đóng dấu xác nhận đã hoàn thành kiểm tra và cho hành khách ra về.

- Hà Nội: Ngày 11/4, cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội đã được lắp được tại khu vực Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoạt động từ 8 - 17h hàng ngày. Với số gạo dự trữ lên đến 10 tấn, dự kiến gạo sẽ được phát từ nay đến ngày 30/4, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người gặp khó khăn tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

>> Dịch COVID-19: Cây “ATM gạo” giúp đỡ người nghèo đầu tiên ở Hà Nội

- Hải Phòng: Sau 3 ngày khởi động cấp Giấy xác nhận và kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa ra vào thành phố, sáng 11/4, UBND thành phố Hải Phòng đã ra văn bản tạm dừng cấp Giấy xác nhận này.

Cụ thể, để kiểm soát lái xe và các phương tiện vận tải hàng hóa chống dịch COVID-19, ngày 8/4/2020 và 10/4/2020, UBND thành phố Hải Phòng đã có các văn bản số 2574/UBND - GT  và số 2658/UBND-GT về việc tăng cường công tác kiểm soát lái xe vận tải hàng hóa trên địa bàn thành phố. Đến ngày 11/4, phương tiện nào chưa được cấp Giấy xác nhận thì sẽ không được lưu thông ra vào thành phố./.

Xem thêm: Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 12/4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục