Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 16/4

06:03' - 16/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất tính đến 5h45 sáng 16/4, thế giới đã vượt mốc 2 triệu ca nhiễm COVID-19 trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này đã lên đến hơn 134.286 ca.

Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, đến 5h45 sáng 16/4 theo giờ Việt Nam, thế giới có tổng cộng 2.075.528 ca nhiễm, 134.286  ca tử vong. Như vậy, trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 77.622 ca mắc mới và thêm 7.685 ca tử vong.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19, tính đến thời điểm này, thế giới cũng đã có 509.577 ca được điều trị khỏi và bình phục trong khi vẫn còn 51.145 ca trong tình trạng nặng và nguy kịch chiếm 4% tổng số bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 641.813 ca và 28.443 ca. Có dấu hiệu cho thấy Mỹ đã bước qua giai đoạn đỉnh dịch, khi chỉ ghi nhận thêm 27.927 ca nhiễm mới và 2.936 ca tử vong trong ngày. 

Người phát ngôn của Tổ chức WHO Margaret Harris cho biết diễn biến dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu vẫn là một bức tranh hỗn hợp. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha diễn biến dịch đang chậm lại, trong khi ở một số nước khác đang gia tăng.  

Italy vẫn là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 21.645 người, tiếp đến là Tây Ban Nha với 18.708 người. Pháp đứng ở vị trí thứ tư về số ca tử vong với 17.167 người.

Hiện 90% số ca nhiễm trên toàn cầu hiện nay là ở châu Âu và Mỹ, và dịch bệnh hiện chưa đến đỉnh điểm.

Trong ngày 15/4, Liên hợp quốc cũng cho biết đã ghi nhận tổng cộng 189 ca nhiễm và 3 ca tử vong do dịch bệnh trong đội ngũ nhân viên của Liên hợp quốc trên toàn cầu.

Cập nhật mới nhất đến 6h ngày 16/4, Việt Nam đã ghi nhận 1 ca mắc mới COVID-19 là bệnh nhân nữ 16 tuổi ở Đồng Văn, Hà Giang. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 268 ca.

Theo bản tin lúc 6h00 ngày 16/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi là 171 người và đến thời điểm này, Việt Nam chưa có số ca tử vong nào vì COVID-19. 

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Hai bệnh nhân cao tuổi được điều trị khỏi COVID-19

Cụ bà Connie Titchen, 106 tuổi, đã trở thành công dân Anh cao tuổi nhất bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cụ bà đã được xuất viện sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện thành phố Birmingham và "đánh bại" căn bệnh nguy hiểm do virus SARS-CoV-2 gây ra. Cụ bà Titchen đến từ Birmingham và là người sống qua cả 2 cuộc chiến tranh thế giới. Cụ Titchen có một cuộc sống năng động, thích đạp xe, khiêu vũ, chơi golf và tự nấu ăn.

Cụ ông người Brazil 99 tuổi đã được xuất viện sau khi "đánh bại" virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cụ đã mắc COVID-19 và được điều trị ở bệnh viện Quân đội Brazil. Sau 8 ngày nằm viện, ngày 14/4, cụ Piveta đã được ra viện trong tiếng kèn trumpet và sự hân hoan của các bệnh nhân, y bác sĩ tại đây và người thân. 

*MỸ đề xuất gói tài trợ 30 tỷ USD đẩy nhanh xét nghiệm

Ngày 15/4, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã công bố đề xuất trị giá 30 tỷ USD nhằm đẩy nhanh việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc, yếu tố được các quan chức y tế  đánh giá có quyết định để có thể dỡ bỏ các biện pháp “giữ khoảng cách xã hội”.

Theo đó, khoản tiền tài trợ trên sẽ được dùng cho các hoạt động liên quan tới xét nghiệm, trong đó phần lớn sẽ được dùng nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng quốc gia cho sản xuất các bộ xét nghiệm và phát triển các loại xét nghiệm khác nhau để giám sát và kiểm soát dịch COVID-19.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19, bang New York ngày 15/4 đã có thêm 752 ca tử vong, ít hơn ngày hôm trước 26 ca và tổng số ca nhiễm bệnh tại đây đã vượt quá 200.000 người.

New York cũng đã công bố chương trình cung cấp lương thực phẩm trị giá 170 triệu USD cho người nghèo. Số tiền này sẽ được dùng để mua 18 triệu bữa ăn cung cấp cho người nghèo và thuê hơn 11.000 lái xe để vận chuyển đồ ăn tới cho họ.

*Một số nước EU nới lỏng các biện pháp hạn chế

   Video: Một số nước châu Âu nới lỏng giãn cách xã hội. Nguồn: VNEWS/TTXVN

Các nước châu Âu cũng đã bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cho phép một bộ phận người lao động trở lại làm việc để hồi sinh nền kinh tế đang “đóng băng” do dịch COVID-19.

Sau hơn một tháng đóng cửa để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, ngày 15/4, Đan Mạch đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học.  

Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định mở cửa lại trường học. Tuy nhiên, việc mở lại cửa trường hiện mới chi áp dụng tại khoảng 50% số khu vực hành chính của Đan Mạch. Riêng tại thủ đô Copenhagen, số trường mở lại chiếm khoảng 35%. Dự kiến, tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học tại Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4. Trong khi đó, các học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ tiếp tục học trực tuyến và dự kiến quay lại trường vào ngày 10/5 tới.

Trước Đan Mạch, Áo là quốc gia đầu tiên ở châu Âu lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ttrong khi duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đến các cửa hàng hoặc trên các phương tiện công cộng, từ ngày 14/4, Áo đã cho phép các cửa hàng nhỏ không kinh doanh thực phẩm mở cửa trở lại. Nước này dự định sẽ đóng cửa các trường học, quán cà phê và hàng ăn cho đến ít nhất giữa tháng 5.

Một số doanh nghiệp Tây Ban Nha, cả trong lĩnh vực xây dựng lẫn sản xuất, đã được phép nối lại hoạt động, dù các cửa hàng, quán bar và các địa điểm công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa ít nhất tới ngày 26/4.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đi và đến khu vực thủ đô Uusimaa, vốn được áp dụng từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

*Thận trọng khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, những quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế nên đợi ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo.

Theo WHO, để giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, các biện pháp hạn chế nên được từng bước dỡ bỏ, dựa trên việc đánh giá các rủi ro dịch tễ và lợi ích kinh tế xã hội của quyết định dỡ bỏ này đối với các cơ sở làm việc khác nhau, các tổ chức giáo dục và các hoạt động xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Harvard, Mỹ có thể cần kéo dài các biện pháp giản cách xã hội vốn được áp dụng trong thời gian bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến năm 2022.

Theo các nhà nghiên cứu Havard, biện pháp giãn cách không liên tục có thể được áp dụng đến năm 2022 trừ khi năng lực chăm sóc y tế quan trọng được tăng cường đáng kể hoặc liệu pháp điều trị hay vaccine luôn sẵn có.

Italy- quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới do COVID-19 cao thứ hai thế giới vẫn duy trì một số hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển. 

Bỉ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội đến hết ngày 3/5. Theo đó, học sinh phổ thông chưa đi học cho tới hết ngày 3/5 và các hoạt động tập trung đông người bị cấm đến hết 31/8. Cảnh sát cũng sẽ tiếp tục giám sát và xử phạt những người vi phạm lệnh cách ly xã hội với nhiều hình thức khác nhau.

Đức tiếp tục duy trì các biện pháp dãn cách xã hội đến ngày 3/5 trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, những quy định hạn chế tiếp xúc như cấm tụ tập từ 2 người trở lên; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng, đóng cửa các trường học, nhà hàng... sẽ vẫn được áp dụng trên cả nước. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn tập trung đông người cũng bị cấm tổ chức từ nay đến ngày 31/8 tới.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nếu không thực hiện các biện pháp cách ly triệt để như hạn chế ra đường thì dịch COVID-19 sẽ lan rộng và lên tới đỉnh điểm sau 60 ngày. Khi đó, ước tính sẽ có khoảng 850.000 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng.

Do số lượng bệnh nhân quá đông trong khi các loại thiết bị chữa trị như máy thở không đáp ứng đủ, người bệnh có thể không được cứu chữa kịp thời và khoảng 400.000 \người trong nước có thể tử vong. 

*Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tìm kiếm quỹ chung về các nguồn cung y tế

Ngày 15/4, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 đã nhất trí thúc đẩy một quỹ chung về các nguồn cung cấp y tế để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí "xem xét thành lập một quỹ dự trữ APT các nguồn cung y tế thiết yếu để ứng phó nhanh với nhu cầu cấp thiết. Tái khẳng định cam kết duy trì mở cửa các thị trường cho thương mại và đầu tư", đồng thời thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn chuỗi cung ứng trong khu vực.

*Các nước “tung” tiếp gói hỗ trợ kinh tế

Ngân sách dài hạn trong thời gian tới của EU sẽ huy động vốn để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tại Hội nghị trực tuyến vào ngày 23/4 tới, lãnh đạo 27 nước thành viên trong EU sẽ thảo luận về các kế hoạch cho ngân sách chung trong giai đoạn 2021-2027; đưa ra các điều chỉnh chiến lược đối với ngân sách chung của liên minh nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Mục tiêu là đưa thị trường chung EU hoạt động trở lại sau các lệnh phong tỏa và hỗ trợ thêm cho các công dân EU. 

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, khoản ngân sách này cần phải bao gồm khoản đầu tư lớn trong một cho đến ba năm đầu để kích thích tăng trưởng. 

Thụy Điển sẽ chi hơn 100 tỷ crown (tương đương 10 tỷ USD) trong ngân sách cho mùa Xuân để chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp, việc làm, đồng thời đem lại an ninh kinh tế và cơ hội về một khởi đầu mới cho những người bị thất nghiệp.

Pháp đã tăng dự chi cho các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch COVID-19 lên 110 tỷ euro (120,6 tỷ USD). Gói ngân sách này bao gồm 20 tỷ euro (21,9 tỷ USD) để giúp các công ty lớn, trong khi các biện pháp hỗ trợ cho hãng hàng không Air France KLM sẽ được công bố trong những ngày tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các vùng của Nga này sẽ nhận được gói hỗ trợ bổ sung có tổng trị giá 200 tỷ ruble (2,7 tỷ USD). Các hãng hàng không trong nước cũng sẽ nhận được khoản cứu trợ bổ sung hơn 23 tỷ ruble (hơn 306 triệu USD) để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.

Canada sẽ thông báo hướng giải quyết đối với các cá nhân, các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để tham gia các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Canada cũng vừa thông báo sẽ chuyển 72 triệu CAD (hơn 51 triệu USD) cho chính quyền ở các vùng lãnh thổ để hỗ trợ các địa phương này ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục