Giải pháp giúp các nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng tài chính do COVID-19

05:30' - 16/04/2020
BNEWS Không có đủ thời gian nâng cấp các tổ chức khu vực và đa phương đáp ứng kịp mối đe dọa về lây nhiễm tài chính. Do đó, việc đưa ra các kênh hoán đổi tín dụng trong khu vực châu Á là ưu tiên hàng đầu.
Giải pháp giúp các nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng tài chính do COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Không một nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào đủ tin cậy để có thể đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của IMF, sau thất bại trong việc quản lý sai lầm các gói cứu trợ tại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á - ngay cả khi IMF đủ nguồn vốn “giải cứu”.

IMF đã đề xuất một cơ sở hoán đổi thanh khoản ngắn hạn mới để tránh lặp lại sai lầm cũ, cung cấp cho các thành viên một chế độ chính sách mạnh mẽ với sự hỗ trợ thanh khoản chống lại các cú sốc ngắn hạn. Tuy nhiên, những cổ đông của IMF, các nền kinh tế phát triển, đã từ chối phê duyệt.

Cơ chế hỗ trợ tài chính “chống lưng” cho khu vực châu Á, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) vừa công bố một gói tài chính, trị giá 240 tỷ USD, để giúp các nước có nhu cầu trong khu vực. Nhưng tổ chức này hiện vẫn chưa được kiểm chứng và đi vào hoạt động toàn bộ.

Các quy trình phê duyệt cấp vốn của CMIM rất chậm chạp, cồng kềnh, cũng như khá phức tạp về chính trị, tạo ra sự hoài nghi lan rộng về khả năng cung cấp nguồn vốn hỗ trợ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) gần đây thông báo một cơ sở repo cho các ngân hàng trung ương – nơi các ngân hàng trung ương có thể vay USD từ Fed bằng cách dùng trái phiếu Mỹ làm tài sản thế chấp – một hoạt động có thể tạo ra một phần giúp đỡ nhỏ cho các nền kinh tế mới nổi.

Mỹ cũng đã chuẩn bị cung cấp một kênh hoán đổi tín dụng song phương cho một số nước thân cận bị thiệt hại trong các cuộc khủng hoảng trước đó. Kênh này cho phép các quốc gia đối tác được quyền truy cập trực tiếp vào dòng tiền USD từ Fed.

Australia đã được gia hạn hoán đổi trong những tuần gần đây và ngay lập tức đồng đô la Australia (AUD) đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, chỉ có Mexico và Brazil là hai quốc gia duy nhất trong số các nền kinh tế mới nổi được truy cập vào kênh hoán đổi tín dụng của Mỹ. Khi ảnh hưởng của người Mỹ ngày càng giảm bớt, hầu hết các nước sẽ chuyển sang tiếp cận Trung Quốc.

Không có đủ thời gian hay cơ hội để nâng cấp các tổ chức khu vực và đa phương đáp ứng kịp mối đe dọa về sự lây nhiễm tài chính mà châu Á đang phải đối mặt vào thời điểm hiện tại. Do đó, việc đưa ra các kênh hoán đổi tín dụng trong khu vực châu Á dành cho các nền kinh tế có nguy cơ là ưu tiên hàng đầu.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc trong thời điểm cần thiết hiện nay sẽ được chào đón trên toàn khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ được hoan nghênh nhiều hơn, nếu đó là một phần kết hợp của nỗ lực hợp tác ổn định tài chính khu vực.

Chắc chắn, các quốc gia như Australia và Nhật Bản cũng cần phải nhanh chóng hành động nhiều hơn nữa. Các ngân hàng trung ương của Australia và Nhật Bản đều có các kênh trao đổi tín dụng với Indonesia trị giá lần lượt là 10 tỷ USD và 23 tỷ USD. Các nước này cũng sẽ cần tăng cường hỗ trợ phía sau nhờ sự phối hợp của bộ tài chính và kho bạc trong các trường hợp cần thiết.

Nhật Bản và Trung Quốc là hai chủ nợ hàng đầu trong CMIM. Tổ chức này cung cấp một “mỏ neo” thể chế hữu ích để phối hợp mở rộng hỗ trợ bổ sung tài chính cho khu vực.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương (và bộ tài chính) của Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia khác trong khu vực có thể hợp tác trong việc “tạo đề kháng” cho nền kinh tế châu Á chống lại sự lãng phí và giúp thiết lập cơ sở cho sự ổn định cả trong và sau cú sốc COVID-19./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục