Cập nhật mới nhất về sự cố gián đoạn máy tính toàn cầu

12:58' - 20/07/2024
BNEWS Theo thông báo từ CrowdStrike, các dịch vụ của phần mềm Microsoft 365 như Teams hay OneDrive trên toàn cầu bị ngừng hoạt động là do lỗi bản cập nhật phần mềm hệ thống bảo mật của CrowdStrike.
Sự cố gián đoạn hệ thống máy tính toàn cầu khiến giá cổ phiếu của “gã khổng lồ” công nghệ CrowdStrike (Mỹ) mất hơn 11% trong phiên giao dịch ngày 19/7.

Sự cố, diễn ra cùng ngày, đã ảnh hưởng tới hàng loạt lĩnh vực dịch vụ toàn cầu, gây “tê liệt” hoạt động của nhiều ngành công nghiệp, làm đóng cửa các dịch vụ công cộng, buộc nhiều hãng hàng không phải tạm dừng các chuyến bay và một số đài truyền hình ngừng phát sóng...

Theo thông báo từ CrowdStrike, sự cố được xác định là do lỗi bản cập nhật phần mềm hệ thống bảo mật của công ty, dẫn đến tình trạng các dịch vụ của phần mềm Microsoft 365 như Teams hay OneDrive trên toàn cầu bị ngừng hoạt động.

 
CrowdStrike là một trong những nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng nổi tiếng trên thế giới, với gần 30.000 khách hàng đăng ký sử dụng. Công ty đạt mức vốn hóa thị trường khoảng 83 tỷ USD và là doanh nghiệp được các nhà đầu tư ưa thích, nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận cao. Năm 2023, giá cổ phiếu của CrowdStrike đã tăng gấp đôi, cùng với làn sóng lên giá của nhóm cổ phiếu công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, sự cố gián đoạn hệ thống máy tính ngày 19/7 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với triển vọng thị trường của CrowdStrike. Nó khiến các khách hàng và nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc của họ vào duy nhất một công ty an ninh mạng, đồng thời mở ra cơ hội cho các đối thủ tiềm năng, như Palo Alto Network và SentinelOne. Bằng chứng là giá cổ phiếu của cả hai công ty này đã tăng lần lượt là 1,7% và 3,6% trong phiên giao dịch cuối tuần này.

Các nguồn tin bên lề cho biết, một số nhà lãnh đạo phụ trách mảng an ninh trong nhiều công ty khác nhau đã bày tỏ sự không hài lòng với CrowdStrike, nhưng không tiết lộ kế hoạch ngừng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ an ninh công nghệ này.

Các nhà phân tích ước đoán vụ việc ngày 19/7 đã gây thiệt hại đáng kể cho CrowdStrike, nhưng chưa có những dự báo chắc chắn rằng các đối thủ của công ty sẽ chiếm được thị phần nhờ sự cố đó.

Theo chuyên gia Dan Ives, nhà phân tích tại công ty Wedbush Securities, rõ ràng là cổ phiếu của CrowdStrike sẽ phải chịu áp lực. Nhưng ông cũng lưu ý rằng sự cố bắt nguồn từ một bản cập nhật kỹ thuật chứ không phải do “bị hack” (tin tặc tấn công) hay bất kỳ mối đe dọa an ninh mạng nào và điều đó, nếu xảy ra, sẽ “đáng lo ngại hơn”.

Các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết ban đầu khách hàng tỏ ra khó chịu, nhưng CrowdStrike đã kiểm soát được vấn đề này.

Liên quan tới vụ việc, hãng tin Reuters (Anh) ngày 20/7 cho biết hầu hết các hoạt động giao dịch đã trở lại bình thường ngay trong ngày 19/7. Tuy nhiên, đến sáng nay, vẫn còn một số hậu quả chưa được giải quyết, như một số máy rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng JPMorgan Chase vẫn trong tình trạng “tạm dừng”.

Đầu giờ sáng ngày 19/7, LSEG Group, tập đoàn điều hành Sở giao dịch chứng khoán London, thông báo các dịch vụ nền tảng dữ liệu và tin tức Workspace, dịch vụ cập nhật quy định cũng như bảng thông tin giá giao ngay và kỳ hạn tiền tệ đã bị ảnh hưởng do "sự cố kỹ thuật toàn cầu của bên thứ ba". Nhưng đến giữa trưa cùng ngày, hầu hết những vấn đề đó dường như đã được giải quyết và hoạt động giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán London không bị ảnh hưởng.

Cũng trong sáng ngày 19/7, sàn giao dịch năng lượng châu Âu thông báo rằng các khách hàng sử dụng nền tảng giao dịch năng lượng và khí đốt Trayport đang gặp vấn đề về giao dịch “do vấn đề cơ sở hạ tầng với nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba”. BP và Shell chưa đưa ra bình luận về vụ việc, còn Vitol cho biết các hoạt động giao dịch cốt lõi vẫn hoạt động tốt, mặc dù một số máy tính cá nhân và một số quy trình tương tác với hệ thống của bên thứ ba tạm thời bị ảnh hưởng.

Tại Mỹ, các sàn giao dịch vẫn hoạt động bình thường. Các ngân hàng lớn như Bank of America (BoA) và Goldman Sachs thông báo không ghi nhận bất kỳ tác động lớn nào đến hệ thống hoặc hoạt động của doanh nghiệp và Citigroup được cho là cũng không bị ảnh hưởng bởi sự cố nói trên.

Tính đến sáng nay, không có báo cáo nào được xác nhận về những khó khăn xảy ra trong hoạt động giao dịch do lỗi gián đoạn hệ thống máy tính, nhưng một số nhà giao dịch khẳng định có dấu hiệu gián đoạn tại các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Vài ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính tiết lộ nhân viên và khách hàng gặp vấn đề khi truy cập hệ thống của họ.

Trong khi đó, “gã khổng lồ” tài chính- bảo hiểm Allianz của Đức cho biết vụ việc đã ảnh hưởng đến khả năng đăng nhập vào máy tính của nhân viên và các ngân hàng ở Nam Phi cũng báo cáo sự gián đoạn.

Hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch nhận định sự cố an ninh mạng mới nhất này sẽ “nhắc nhở” các nhà chức trách về việc cần phải tăng cường giám sát đối với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.

Ông Monsur Hussain, một cán bộ quản lý tại Fitch, nhấn mạnh sự phụ thuộc của các tổ chức tài chính vào bên thứ ba đã tăng lên trong những năm gần đây. Đó là một phần của quá trình số hóa mạnh mẽ đang diễn ra trong lĩnh vực này. Mặc dù lợi ích kinh tế hấp dẫn, nhưng ông Hussain lưu ý chúng cũng có thể mang lại những rủi ro mang tính hệ thống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục