CATL trở thành công ty sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới như thế nào?

05:30' - 04/01/2022
BNEWS Chỉ sau 10 năm hoạt động, CATL đã vươn lên vị trí thống trị ngành pin xe điện toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tự chủ nguồn cung công nghệ cao của Trung Quốc.

“Thiên thời địa lợi nhân hòa”

Người sáng lập CATL - ông Robin Zeng (53 tuổi) là một trong những người giàu nhất ở châu Á, với khối tài sản trị giá khoảng 60 tỷ USD. Forbes xếp ông ở vị trí thứ ba ở Trung Quốc, trong khi Bloomberg xếp ông ở vị trí thứ 23 thế giới. Sự nhanh nhạy với thời cuộc của ông Zeng được cho là lý do quan trọng đưa CATL trở thành một trong những công ty Trung Quốc phát triển nhanh nhất trong thập kỷ qua.

Ông Zeng từng làm việc 10 năm trong ngành pin và thành lập công ty Amperex Technology Ltd (ATL) vào năm 1999 cung cấp pin lithium-coban cho điện thoại di động, máy quay phim và các thiết bị điện tử khác. Nhà sản xuất linh kiện điện tử TDK (Nhật Bản) đã thâu tóm công ty pin này vào năm 2005 với giá 100 triệu USD và tiếp tục điều hành ATL như một công ty con.

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc công bố chiến lược phát triển các loại xe sử dụng năng lượng mới và tung ra các gói trợ cấp hào phóng cho lĩnh vực này vào năm 2011. Một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc do ông Zeng đứng đầu đã mua 85% cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh pin ô tô điện của TDK vào cuối năm 2011 và chính thức thành lập công ty phát triển pin xe điện mang tên Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL). Khách hàng đầu tiên của CATL là hãng xe BMW (Đức).

Đến năm 2015, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) nhằm nâng cấp khả năng sản xuất và đảm bảo tính cạnh tranh của Trung Quốc bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, trong đó ngành xe điện và pin được xác định là những ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc. Thị trường xe điện Trung Quốc bùng nổ và nhanh chóng vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2015. Doanh số bán xe điện đã tăng lên 330.000 chiếc trong năm 2015 so với mức 23.000 xe 2 năm trước đó.

Bên cạnh các cơ chế hỗ trợ vay vốn ngân hàng, CATL đã được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thúc đẩy nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc sử dụng pin nội địa. Người mua ô tô điện được trợ cấp nếu pin điện của ô tô đó do một công ty Trung Quốc sản xuất. Năm 2016, hãng xe GM (Mỹ) bán mẫu xe Buick Velite với pin do LG (Hàn Quốc) cung cấp. Tuy nhiên, sau đó, họ phải chuyển sang dùng pin CATL để thúc đẩy doanh số tại Trung Quốc.

Năm 2020, CATL giành được hợp đồng cung cấp pin cho hãng sản xuất xe điện Tesla (Mỹ). Doanh số bán xe của Tesla tại thị trường Trung Quốc tăng vọt đã tạo một cú hích lớn cho CATL. Công ty có trụ sở tại Ninh Đức, Phúc Kiến này hiện chiếm hơn một nửa thị trường pin xe điện Trung Quốc và hơn 30% thị phần toàn cầu.

Theo công ty nghiên cứu thị trường năng lượng SNE Research, CATL chiếm 34% thị trường pin xe điện trong tháng 10/2021, vượt xa đối thủ xếp thứ hai là LG (Hàn Quốc) với 15,6%.

Xu hướng thúc đẩy lĩnh vực xe điện và chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải carbon của Trung Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cơ hội tăng trưởng lớn hơn cho CATL.

Chiến lược bảo vệ ngôi vị dẫn đầu

Một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Trung Quốc đã nhận định rằng, so với ngành công nghiệp ô tô sử dụng năng lượng mới, thị trường lưu trữ năng lượng còn có quy mô lớn hơn thế. Sự bùng nổ xe điện toàn cầu đã khuyến khích các nhà sản xuất pin tăng sản lượng và thu hút các người chơi mới tham gia thị trường. LG đã tách bộ phận sản xuất pin thành công ty riêng là LG Energy Solution và đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2022.

Đối thủ trong nước của CATL là BYD cũng tăng dung lượng pin để cung cấp cho các nhà sản xuất gồm Ford và Toyota. Các nhà sản xuất ô tô như Tesla và Volkswagen (Đức) đang đẩy mạnh việc tự phát triển pin hoặc đầu tư vào một loạt nhà sản xuất pin để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường pin xe điện đang ngày càng gay gắt, CATL đã liên tục rót vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng hệ sinh thái riêng.

Tính đến cuối tháng 9/2021, CATL đã đầu tư 2,59 tỷ NDT (393,2 triệu USD) vào 21 nhà sản xuất vật liệu pin và 3,11 tỷ NDT vào các nhà sản xuất thiết bị. Trước đó, vào tháng Tám, CATL tiết lộ kế hoạch huy động 58,2 tỷ NDT thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu.

CATL cũng hợp tác với các công ty điện lực để triển khai các dự án lưu trữ năng lượng trên khắp Trung Quốc. Hồi tháng Bảy, ông Zeng cho biết công ty có ba định hướng phát triển chính là pin xe điện, công nghệ lưu trữ năng lượng và các giải pháp năng lượng thông minh.

Giới chuyên gia trong ngành cho hay vị thế dẫn đầu thị trường và sản lượng khổng lồ của CATL vẫn là lợi thế mà công ty khác khó có thể cạnh tranh. CATL có khả năng kiểm soát chất lượng tốt và các đối thủ sẽ khó bắt kịp trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với CATL có thể là đột phá trong công nghệ pin. Trong khi các công ty Trung Quốc có lợi thế về công nghệ pin lithium-ion đã phổ biến, thì các đối thủ nước ngoài đã tập trung phát triển thế hệ pin mới là pin thể rắn. Pin này hiệu suất cao hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, loại pin mới đòi hỏi sự đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất hiện tại.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, các công ty Nhật Bản đang dẫn đầu trong nghiên cứu pin thể rắn. Dự kiến loại pin mới sẽ chiếm 1% thị phần vào năm 2025. Vị chuyên gia cho hay công nghệ pin mới của Trung Quốc đang đi sau Nhật Bản khoảng 5 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục