Cầu nối giúp giảm nghèo bền vững tại Cần Thơ

08:24' - 30/09/2022
BNEWS Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều mô hình, phương thức hỗ trợ vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần giúp giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Với phương châm hoạt động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, song song với việc triển khai huy động nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều mô hình, phương thức hỗ trợ vốn lấy người nghèo, các đối tượng chính sách làm trọng tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận nhanh đồng vốn.

 

Nhờ đó, đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

*Cầu nối hiệu quả

Trong 20 năm qua, những chương trình chính sách tín dụng đã phát huy được vai trò là “bệ đỡ”, “đòn bẩy” cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cần Thơ. Để làm được điều đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng phát triển, cải thiện và nâng chất hoạt động tín dụng, đặc biệt là triển khai nhiều mô hình, cách thức đưa đồng vốn nhanh chóng, kịp thời đến người thụ hưởng.

Điểm giao dịch tại UBND xã, phường, thị trấn được đánh giá là bước cải tiến thủ tục hành chính phát huy được vai trò “cầu nối” giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” được Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ triển khai ở 83 xã, phường, thị trận.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh thành phố Cần Thơ cho rằng, điểm giao dịch xã vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, nhà nước và đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng với việc triển khai hệ thống điểm giao dịch đến các xã, phường, thị trấn ngân hàng cũng mở rộng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các ấp, khu vực trên địa bàn thành phố với 2.006 tổ, góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng  đối tượng thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, đảm bảo công khai dân chủ và tiết giảm chi phí cho người vay.

Đặc biệt, trong quá trình đưa tín dụng chính sách đến với người vay, vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn rất quan trọng, họ là “cánh tay nối dài” truyền tải những chính sách, thông tin tín dụng liên quan đến người thụ hưởng.

Tròn 12 năm giữ vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh), bà Hà Thị Thắm luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò của người tổ trưởng. Mỗi tháng trước ngày giao dịch xã 15 ngày, bà Thắm sẽ tuyên truyền những chính sách, văn bản mới liên quan đến hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đến tổ viên, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở tổ viên khi nợ đến hạn, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, tích lũy để dành để nhẹ lo khi nợ đến hạn.

Song song đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Vĩnh Hưng cũng thường xuyên phối hợp với các cấp hội, Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của tổ viên, hướng dẫn hộ vay đầu tư đúng theo phương án sản xuất kinh doanh.

Từ chỗ thực hiện nghiêm túc vai trò của người tổ trưởng, bà Hà Thị Thắm cho biết, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Vĩnh Hưng không còn phụ nữ thuộc diện hộ nghèo. Hơn 10 năm qua, có rất nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo, làm ăn hiệu quả, đời sống được cải thiện; nhiều trường hợp học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không bỏ dở việc học tập nhờ những nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai.

Hiện tổ còn dư nợ trên 2,8 tỷ đồng với 55 hộ vay, không có nợ quá hạn và lãi tồn, các tổ viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích; 100% tổ viên tham gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, với số dư tiền gửi tiết kiệm là 253 triệu đồng.

*Tiếp tục đồng hành

Hai thập niên triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người ở Cần Thơ tăng gấp 10 lần; hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn (đầu năm 2022 chỉ còn 0,8%); tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,96% (đầu năm 2022); nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn lên 87,2%; góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao;…

Ngoài ra, tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2002/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã có những đóng góp hiệu quả và thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, qua 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng tái nghèo, tỷ lệ lao động thất nghiệp, có việc làm không ổn định còn cao.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, Cần Thơ đặt mục tiêu tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho địa phương còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nông thôn mới,…

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo, chi nhánh sẽ tiếp tục chú trọng phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí chuyển vốn ngân sách hàng năm bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tham mưu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức các cuộc vận động vì người nghèo đến các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân để huy động bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, thành phố xác định tín dụng chính sách là công cụ của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên rà soát, nắm bắt các hạn chế, vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở để tháo gỡ kịp thời; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Song song với việc huy động nguồn lực, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ trung ương; UBND thành phố và các quận, huyện chủ động bố trí sớm, bố trí đủ ngân sách hàng năm ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi theo chỉ tiêu Trung ương giao và theo hướng tăng dần hàng năm; thường xuyên kết nối các doanh nghiệp, tổ chức ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách có liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục