Cầu nối hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại

20:11' - 18/05/2018
BNEWS Chiều 18/5, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam”.
 Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương cho biết, tại nhiều quốc gia, hợp tác xã là công cụ chính để nâng cao cuộc sống người dân nông thôn.

Không những thế, hợp tác xã còn tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên tham gia hợp tác xã. Đặc biệt, mô hình này là phương thức tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế bao trùm và kinh tế chia sẻ để các thành viên không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, hợp tác xã phát triển ở hầu hết các nước, đóng góp từ 10-30% GDP, đang ngày càng chứng minh được sức mạnh và tiếng nói của mình. Giờ đây, hợp tác xã đã trở thành một khái niệm kinh tế phổ biến, góp phần cho tăng trưởng bền vững và chia sẻ giá trị.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, trải qua hơn 120 năm, mô hình hợp tác xã không ngừng đổi mới, phát triển và khẳng định rõ phát triển hợp tác xã là xu hướng tất yếu của thời đại. Với hơn 1 tỷ thành viên trên toàn thế giới, tạo ra doanh số hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 250 triệu việc làm ổn định, phong trào hợp tác xã ngày càng chứng tỏ sức mạnh và tiếng nói của mình.

Đặc biệt, kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.

Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, doanh số các hợp tác xã là 266 tỷ USD; ngân hàng và tài chính 236 tỷ USD; bảo hiểm 403 tỷ USD; bán sỉ và lẻ 309 tỷ USD.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. ,iêng với Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên.

Đáng lưu ý, kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động, doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.

Xác định kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thường xuyên tổ chức thăm quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới cho các hợp tác xã thành viên. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn hợp tác xã, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít hợp tác xã của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại. Đặc biệt là trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động.

Thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, trong tình hình mới, mô hình hợp tác xã cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê, mới chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Lý do khiến các hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.

Bên cạnh việc tìm giải pháp căn cơ, để tháo gỡ khó khăn này, trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ công bố gói tín dụng ưu đãi mua vật tư nông nghiệp dành cho các hợp tác xã, hộ nông dân trên cả nước, nhằm tháo gỡ khó khăn tồn tại nhiều năm qua trong vấn đề thu hút nguồn vốn phát triển hợp tác xã.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ năm 2011 đến nay Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã làm đơn vị chủ tri thực hiện 7 đề án trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt là gần 14 tỷ đồng, hỗ trợ gần 100 hợp tác xã, doanh nghiệp trên cả nước tham gia hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu nước ngoài như Italy, Đức…

Thời gian tới, để chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm của hợp tác xã đạt kết quả cao, ông Vũ Bá Phú đề nghị Liên minh hợp tác xã làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã thành viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì như chương trình Thương hiệu Quốc gia, chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Mặt khác, cần nghiên cứu và đề xuất các đề án trong chương trình xúc tiến thương mại nhằm đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trên cơ sở nhu cầu thiết thực của khối kinh tế hợp tác và tận dụng nguồn lực sẵn có.

Theo dự kiến, năm 2020 cả nước phấn đấu sẽ có 38.000 - 45.000 hợp tác xã; trong đó, có 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, 100 - 150 Liên hiệp hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thống nhất nhận thức các cấp, các ngành, người dân về mô hình hợp tác xã kiểu mới. Cùng đó, các mô hình này phải hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, tổ chức kinh tế do người dân thành lập, không ỷ lại và trông chờ hỗ trợ của Nhà nước, hợp tác xã gắn liền với chuỗi giá trị.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động, qua đó tạo lòng tin cho các thành viên, sử dụng nguồn lực hợp tác xã để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã các tỉnh cũng cho rằng cần quan tâm hỗ trợ phát triển bởi thời gian qua nơi nào chính quyền, lãnh đạo quan tâm phát triển hợp tác xã, nơi đó kinh tế tập thể và hợp tác xã phát triển. Ngoài ra, cần có cách chính sách đi kèm là đòn bẩy và đẩy mạnh tái cơ cấu hợp tác xã, trong đó mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị là phương thức tổ chức chính để hợp tác xã phát triển mạnh và bền vững trong tương lai./.

>>> Làm sao để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn hiệu quả?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục