Cây xanh - Thứ “xa xỉ” đối với người dân tại nhiều khu chung cư

08:58' - 08/12/2018
BNEWS Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để trồng mới cây xanh trên các tuyến phố.

Tuy nhiên, mật độ cây xanh trên địa bàn Thủ đô vẫn còn rất khiêm tốn so với mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2020.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự xuất hiện ngày càng nhiều các chung cư, khu đô thị khiến người dân “ngộp thở”.

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng này, Hà Nội cần gắn phát triển cây xanh với quy hoạch phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng thành phố.

*Chủ đầu tư “phớt lờ” trồng cây xanh

Có thể nói, cây xanh hiện nay đã trở thành thứ “xa xỉ” đối với người dân tại nhiều khu chung cư trong lòng thành phố. Thay vào đó là những mảng màu xám xịt của bê tông, hàng rào thép.

Cây xanh hiện nay đã trở thành thứ “xa xỉ” đối với người dân tại nhiều khu chung cư . Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN

Bỏ tới vài tỷ đồng để mua một căn hộ cao cấp trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chị Nguyễn Diên, cư dân sống tại chung cư Hòa Bình Green cho biết, tòa nhà chị sống cao vài chục tầng mà cũng chẳng có được mấy cây xanh.

Xung quanh tòa nhà chỉ có vỉa hè và lòng đường. Xe cộ và khói bụi ầm ĩ suốt ngày nhưng không khí thì đặc quánh vì thiếu cây xanh. Mỗi khi đi làm về, gia đình chị thường ở trên căn hộ, đóng cửa bật điều hòa chứ rất ít khi cho con xuống đất chơi.

Điều đáng nói là tình trạng thiếu cây xanh như ở khu nhà chị Diên không phải là cá biệt. Tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), mặc dù đã có hàng nghìn người dân đến sinh sống tại các tòa nhà cao tầng nhưng ở đây thật hiếm màu xanh, lác đác có một số cây nhỏ được trồng nhưng phần lớn còi cọc, sống lay lắt.

Khu đô thị mới Nam Trung Yên đã đưa hơn chục tòa nhà vào sử dụng từ hàng chục năm nay, chủ yếu là nhà tái định cư (khoảng 120 hộ dân/tòa nhà) nhưng hạ tầng sơ sài, không có đơn vị chủ quản nào quan tâm đầu tư và chăm sóc cây xanh.

Người dân sống ở đây cho biết, nhiều năm qua không thấy ai đến chăm sóc hệ thống cây xanh tại khu đô thị này. “Nhiều lúc tôi không biết hỏi ai về trách nhiệm phát triển mạng lưới cây xanh ở đây” - một người dân cho biết.

Thực tế, khảo sát tại một số khu đô thị như trung tâm bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai), tỷ lệ xây dựng chiếm đến 90%; khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy – Thanh Xuân) tỷ lệ xây dựng khoảng 45-50%, vì mật độ xây dựng dày nên không gian dành cho công viên cây xanh bị hạn chế. Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều dự án đô thị mới khác và đặc biệt dự án đơn lẻ thì diện tích dành cho cây xanh gần như không có.

Trao đổi về vấn đề này, theo đại diện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư bởi trong giá bán căn hộ chủ đầu tư đã tính bao gồm cả tiền đầu tư hạ tầng như đường giao thông, điện nước, cây xanh...

Song, hầu hết các chủ đầu tư mới chỉ tập trung lo xây nhà để bán còn các hạng mục như cây xanh, thảm cỏ, đấu nối hạ tầng thường làm rất chậm. Nhiều dự án chưa được bàn giao về hạ tầng nhưng chủ đầu tư đã đưa dân về ở trong khi muốn có mạng lưới cây xanh thì cần phải đầu tư sớm.

Còn Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính thì cho rằng, hiện nay, không gian cây xanh trong đô thị, đặc biệt ở các khu đô thị mới đang bị thiếu trầm trọng.

“Tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư tận dụng tối đa diện tích để xây dựng, làm mất đi không gian dành cho cây xanh. Một số dự án, chủ đầu tư còn tận dụng hệ thống cây xanh công cộng để làm cây xanh cho dự án” - ông Trần Ngọc Chính nói.

*Coi việc trồng cây xanh là bảo vệ môi trường

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa – người nổi tiếng với các thiết kế về công trình xanh cho rằng, với những dự án chung cư cao tầng trong các khu đô thị hiện nay, việc áp dụng giải pháp “xanh hóa” là hoàn toàn có thể. Ví dụ, bản thân chung cư cao tầng có 1.000m2 sàn/tầng thì mái công trình phải đảm bảo có 1.000m2 diện tích cây xanh.

Tăng diện tích cây xanh. Ảnh minh họa:TTXVN

Như vậy, bố cục tòa nhà nhìn trên góc độ thẳng vẫn là khoảng không gian xanh. Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng có quy định thì một số tầng, nhà đầu tư cần thiết kế lùi vào để tăng diện tích cây xanh trên mặt đứng. Thực tế, quy định này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công với hàng loạt công trình xanh ở mọi khu vực.

Phong trào công trình Xanh tại Việt Nam; trong đó có Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng chục năm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, công trình Xanh vẫn chưa thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa Thủ đô.

Theo tính toán, mặc dù không gian xanh bình quân đầu người của Hà Nội đã tăng từ 2,5m2/người năm 1991 lên 4,7m2/người nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 18m2/người là mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Ngay trong khu vực nội thành cũ, nơi có diện tích công viên khá cao khoảng 135ha với bình quân 1,3m2/người nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 7m2/người vào năm 2020. Ngoài ra, trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 0,05m2/người.

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để mở rộng không gian cây xanh cho đô thị, vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị.

Các vấn đề tồn tại chỉ có thể được giải quyết triệt để một khi có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch; trong đó xác định cụ thể quỹ đất dành cho cây xanh.

Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng đòi hỏi chặt hạ cây xanh cần phải được xem xét, cân nhắc thận trọng trên cả yếu tố kỹ thuật, kinh tế và hậu quả môi trường. Quỹ đất dành cho cây xanh phải được bảo vệ chống lấn chiếm, cấm chuyển đổi mục đích…

“Việc thiết kế cảnh quan cây xanh đô thị sẽ tạo ra những nét đặc trưng riêng cho các tuyến phố đô thị trung tâm và các trục đường giao thông” - ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Và theo các chuyên gia, để Thủ đô Hà Nội sẽ thực sự là một đô thị xanh thì phải coi phát triển cây xanh đô thị là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Theo đó, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng; phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh, xây dựng Luật về cây xanh đô thị../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục