CEPAL cảnh báo khủng hoảng lương thực tại Mỹ Latinh

14:00' - 13/06/2020
BNEWS Một cuộc khủng hoảng y tế và lương thực sẽ “thổi bay” những nỗ lực chống nghèo đói của khu vực trong vòng 13 năm qua.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực đưa ra các chính sách khẩn cấp.

Thư ký điều hành của CEPAL Alicia Bárcena đánh giá Mỹ Latinh và Caribe - khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới hiện nay - đang đối mặt với sự suy thoái lớn nhất trong lịch sử và dự báo số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số của khu vực, trong đó số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 83 triệu người.

Tại cuộc hội thảo trực tuyến do Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) tổ chức, bà Alicia Bárcena cho biết việc giải quyết khủng hoảng lương thực là rất cấp bách bởi vì một số quốc gia Caribe đang đối mặt với tình trạng này.

Một cuộc khủng hoảng y tế và lương thực sẽ “thổi bay” những nỗ lực chống nghèo đói của khu vực trong vòng 13 năm qua.

Trước tình hình này, CEPAL khuyến nghị chính phủ các quốc gia trong khu vực hỗ trợ khẩn cấp 140 USD/tháng trong vòng 6 tháng cho những gia đình nghèo, trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ thông qua các khoản tín dụng ưu đãi.

Hiện Mỹ Latinh đã ghi nhận hơn 1,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong đã vượt 75.000 người. Cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế khu vực, vốn đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây.

CEPAL dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng âm 5,3% trong năm nay và điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất trong khu vực trong nhiều thập kỷ với hàng triệu người nghèo và thất nghiệp mới, cũng như “khoét sâu” sự bất bình đẳng xã hội, đặc biệt đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe xuống mức âm 7,2% trong năm 2020./.

>>>Tổng Thư ký LHQ cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục