FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tháng 5/2020 thấp nhất kể từ tháng 12/2018

00:00' - 05/06/2020
BNEWS Ngày 4/6, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực thế giới trong tháng 5/2020 giảm tháng thứ tư liên tiếp, do tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm sút.

Chỉ số giá lương thực của FAO - thước đo những thay đổi hằng tháng đối với nhóm mặt hàng ngũ cốc, các loại hạt có dầu, các sản phẩm làm từ sữa, thịt và đường - đã ở mức trung bình 162,5 điểm trong tháng Năm, giảm 1,9% so với tháng Tư và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Chỉ số giá các sản phẩm bơ sữa giảm 7,3%, trong đó giá bơ và phô-mai giảm mạnh nhất, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm. Chỉ số giá ngũ cốc giảm 1%, với giá ngô của Mỹ giảm 16% và giá lúa mỳ xuất khẩu suy giảm khi có những nhận định về tình trạng dư cung trên toàn cầu. Giá dầu thực vật giảm 2,8% xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua, trong khi chỉ số giá thịt giảm 0,8%.

Giá thịt gia cầm và thịt lợn cũng tiếp tục giảm, phản ánh nguồn cung sẵn có cho xuất khẩu bất chấp nhu cầu nhập khẩu tại khu vực Đông Á tăng.

Trái ngược với đà sụt giảm nói trên, chỉ số giá đường tăng 7,4% trong tháng Tư do sản lượng thấp hơn dự báo ở một số quốc gia sản xuất lớn, đặc biệt tại Ấn Độ và Thái Lan.

FAO cũng lần đầu tiên đưa ra dự báo về sản lượng ngũ cốc năm 2020, theo đó sản lượng của toàn cầu ước đạt khoảng 2.780 tỷ tấn, tăng 2,6% so với mức kỷ lục của năm ngoái. Đáng chú ý, sản lượng ngô được dự báo đạt mức cao nhất so với các loại ngũ cốc khác khi tăng 64,5 triệu tấn lên 1,207 tỷ tấn, nhờ sản lượng dự báo đạt kỷ lục tại Mỹ, Canada và Ukraine, cùng các vụ mùa bội thu tại Brazil và Argentina.

FAO cũng dự báo sản lượng gạo đạt mức cao chưa từng có 508,7 triệu tấn trong năm 2020, tăng 1,6% so với năm 2019.

Trái lại, FAO dự báo sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm 2020 giảm, phần lớn do sản lượng sụt giảm tại Liên minh châu Âu, Ukraine và Mỹ, nhưng sẽ được bù đắp phần nào nhờ mức tăng tại Nga và Australia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục