Cha mẹ cùng con “sống xanh”

12:18' - 09/09/2019
BNEWS Để tiến tới mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành đất nước “nói không với đồ nhựa dùng một lần”, hạn chế tối đa rác thải nhựa, việc quan trọng là thay đổi ý thức của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.
Bé Trần Nguyễn Bảo An thường được mẹ Nguyễn Thị Kim Nga hướng dẫn về cách phân loại rác và tác hại của rác thải nhựa. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tại Đà Nẵng, nhiều gia đình đã hình thành nề nếp sinh hoạt hàng ngày nhằm hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen hạn chế rác thải nhựa, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Hình thành thói quen cho con từ nhỏ

Năm nay mới tròn 5 tuổi nhưng bé Trần Nguyễn Bảo An đã biết tiết kiệm giấy để bảo vệ rừng, không dùng túi nilon để bảo vệ môi trường, biết phân loại rác thải và không vứt rác bừa bãi.

Đó là những điều bé học được trong đời sống hàng ngày ở nhà cùng với mẹ Nguyễn Thị Kim Nga (30 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Theo chị Kim Nga, vợ chồng chị luôn ý thức về gìn giữ môi trường. Đến khi có bé Bảo An, vợ chồng chị càng dặn lòng phải làm gương cho con. “Từ lâu rồi nhà mình đã quen mang túi vải đi chợ để không dùng túi nilon. Mình mang theo cả chai hộp để đựng đồ ướt. Đồ đạc trong nhà cũng dùng những đồ sử dụng nhiều lần, bằng các chất liệu thân thiện môi trường như gốm sứ, tre gỗ, vải... Bé học theo nên bây giờ cũng đựng đồ chơi bằng túi vải, không thích uống nước trong chai nhựa, biết nhặt rác bỏ vào thùng. Có lúc bé còn nhắc nhở khi thấy người thân, bạn bè sử dụng túi nilon hoặc vứt rác bừa bãi”, chị Kim Nga chia sẻ cho biết.

Dịp cuối tuần, gia đình lại đưa bé Bảo An cùng gia đình bạn bè rời thành phố về các vùng quê dã ngoại, về với thiên nhiên. Tại đây, các bé vừa được vui chơi, được học cách trồng cây, gần gũi với động vật, từ đó phát triển tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Đồng hành cùng các ý tưởng của trẻ

Sau khi được cha mẹ hướng dẫn, xây dựng ý thức về “sống xanh”, nhiều bạn nhỏ đã tự hình thành các ý tưởng, sáng kiến khiến người lớn phải học hỏi theo. Những ngày đầu năm học mới này, một cô bé lớp 2 đã quyết tâm dành cả tuần để lấy giấy bọc sách vở và vẽ hình trang trí vì không muốn sử dụng bọc nilon.

Đó là bé Nguyễn Hà Châu Giang, lớp 2/1, Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Đà Nẵng. Hưởng ứng phong trào vẽ tranh “Vì một Việt Nam xanh”, bé Châu Giang đã tâm sự với mẹ về ý tưởng bọc sách vở bằng giấy đã sử dụng một mặt. Mẹ của Châu Giang là chị Nguyễn Thị Kim Thê rất vui và ủng hộ mong muốn của bé.

Được mẹ hướng dẫn và bọc cùng, những cuốn sách, vở với bìa giấy gọn gàng, phẳng phiu, sạch sẽ của Châu Giang dần hình thành. Nhưng giấy có màu trắng mà nhà trường có quy định về màu sắc bọc cho từng loại sách vở nên bé Châu Giang dành thời gian để vẽ tranh và tô màu.

Ở giữa mỗi cuốn là những hình thù con vật, hoa văn ngộ nghĩnh, còn ở xung quanh viền được tô những màu sắc theo đúng quy định của từng môn học.

Tuy mới 5 tuổi nhưng bé Trần Nguyễn Bảo An đã dần hình thành ý thức về bảo vệ môi trường. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Ngắm sách vở được trang trí, Châu Giang lại càng hào hứng: “Con thấy vui vì sách vở rất đẹp, lại không phải dùng đến nilon. Con mong sắp tới sẽ có nhiều bạn cùng làm như con".

Ngắm nhìn con gái tỉ mỉ, chăm chút tô vẽ cho từng cuốn vở, chị Kim Thê như sống lại với ký ức tuổi thơ của mình. Vui hơn nữa là con đã có ý thức và tự suy nghĩ để tìm ra các giải pháp giúp bảo vệ môi trường. Chị tự hào: Thế giới bây giờ đang tràn ngập nilon và bản thân mình cũng muốn thay đổi, muốn làm gì đó có ích cho  môi trường.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng mong muốn của con rất đáng khen. Đây là hành động vừa tiết kiệm cho gia đình vừa bảo vệ cho môi trường, lại còn vừa giúp bé thỏa sức sáng tạo nên tôi không ngại dành thời gian để cùng con thực hiện.

Tuy ý tưởng rất tốt, nhưng khi thực hiện hai mẹ con vẫn lo lắng vì không biết cách làm này có trái với quy định chung của nhà trường không.

Thế nhưng sau khi báo với nhà trường, hai mẹ con đã nhận được sự động viên rất tích cực từ Ban Giám hiệu trường Tiểu học Hùng Vương.

Cô Trần Thị Kim Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đưa ảnh các bìa vở của Châu Giang lên mạng xã hội và không tiếc lời khen ngợi.

Cô Trần Thị Kim Hạnh cho biết: Đây là một việc làm rất ý nghĩa, nếu bé thực hiện được thì có thể giảm đi 20 bao nilon bọc sách vở mỗi năm. Đồng thời việc tự tay trang trí sẽ giúp các con nhớ rõ từng cuốn để không bị soạn nhầm sách.

Khi các con đã dùng trí tuệ, sự sáng tạo của mình cho sách vở, các con sẽ nâng niu, giữ gìn hơn bởi chúng chứa đựng tình yêu của các con cho môn học, cho cô giáo và cả bản thân mình. Vì vậy, nhà trường khuyến khích các phụ huynh nếu có điều kiện hãy cùng con tận dụng giấy cũ để bọc sách vở.

Trong bối cảnh cả nước quyết tâm “nói không với rác thải nhựa” thì những ý tưởng của trẻ em như lễ khai giảng không bóng bay, bọc sách bằng giấy hay chỉ đơn giản là đựng đồ chơi vào túi vải đã góp phần thức tỉnh nhiều người lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Hy vọng rằng từ những thói quen nhỏ này sẽ giúp thay đổi ý thức chung của xã hội, góp phần mang lại cho các con một tương lai xanh, sạch, đẹp và không còn rác thải nhựa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục