Chậm chi trả đền bù bảo hiểm tàu cá gặp nạn, nguyên nhân do đâu?

10:06' - 08/08/2019
BNEWS Đã một năm rưỡi sau khi tàu cá gặp nạn, ngư dân vẫn chưa được chi trả tiền bảo hiểm cũng bởi nhiều nguyên nhân.

Với gia đình ngư dân Nguyễn Văn Thân (trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), con tàu là tài sản quý giá nhất để vươn khơi bám biển. Thế nhưng con tàu vừa đóng mới này vươn khơi được 5 chuyến thì gặp nạn, bị chìm.

Điều đáng nói là hơn 1,5 năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thân vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm từ phía công ty bảo hiểm. Hiện nay, cả gia đình ông Thân phải buôn ba đủ nghề để kiếm tiền trả lãi ngân hàng.

Gia đình ông Thân có truyền thống đi biển nhiều đời nay. Sau hơn 10 năm đánh bắt bằng tàu cá 350CV, đến năm 2017, ông quyết định đóng một con tàu vỏ gỗ mới, mang số hiệu QB-92869TS, với công suất 1.100CV để vươn khơi bám biển.

Toàn bộ chi phí đóng mới và ngư lưới cụ là gần 8 tỷ đồng. Để đóng được con tàu này, gia đình ông Thân đã phải vay trên 7 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Quảng Bình (5 tỷ đồng).

Sau khi đóng tàu, gia đình ông Thân được Công ty cổ phần Bảo Minh Chi nhánh Quảng Bình liên hệ ký hợp đồng. Tin tưởng vào Công ty này, ông Thân đã quyết định ký hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, Công ty đã thống nhất ký hợp đồng bảo hiểm bằng 70% giá trị con tàu là khoảng 5,2 tỷ đồng, kèm theo rủi ro tai nạn thuyền viên 30 triệu đồng/người. Với hợp đồng bảo hiểm này, ông Thân sẽ phải đóng gần 50 triệu đồng/năm; nếu gặp rủi ro, phía bảo hiểm sẽ đền bù 100% số tiền trong hợp đồng đã ký (chưa tính khấu trừ).

Con tàu được hoàn thiện và có chuyến biển đầu tiên vào tháng 6/2017, chủ yếu là câu mực, cá ngừ đại dương ở vùng biển xa, tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Tuy nhiên, trong chuyến đi biển vào sáng 13/12/2017, tàu cá số hiệu QB-92869 TS của ông Thân bị phá nước và chìm trên vùng biển Hoàng Sa. Ông Thân cùng 6 ngư dân khác đã được lực lượng cứu hộ ứng cứu, đưa vào bờ an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thân cho biết: Sau khi tàu chìm, ông đã liên hệ với công ty bảo hiểm để được đền bù. Thế nhưng lúc thì họ nói thiếu cái này, lúc thiếu cái kia, rồi bảo chờ. Đến nay, hơn một năm rưỡi trôi qua, ông Thân vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm từ phía công ty.

Mỗi lần nhắc đến con tàu và các khoản nợ, bà Nguyễn Thị Hiểu, vợ ông Thân không cầm nổi nước mắt.

Bà Hiểu kể: Chỉ tính tiền lãi, gia đình bà phải trả hơn 40 triệu đồng/tháng. Nếu bên bảo hiểm chi trả sớm, gia đình bà sẽ có tiền đóng tàu ra khơi, kiếm tiền trả nợ. Gia đình ông Thân mong muốn công ty bảo hiểm giải quyết sớm theo hợp đồng để họ có tiền trả các khoản vay cho ngân hàng. Sau khi trả nợ, gia đình ông mới có thể làm thủ tục vay tiền đóng tàu mới vươn khơi, bám biển ổn định cuộc sống.

Liên quan sự việc trên, phóng viên TTXVN đã có buổi làm việc, trao đổi với đại diện Công ty cổ phần Bảo Minh Chi nhánh Quảng Bình. Tại buổi làm việc, lãnh đạo công ty cho biết đã báo cáo sự việc với Tổng công ty và đang chờ hướng giải quyết.

Phóng viên cũng đã liên hệ qua thư điện tử với lãnh đạo của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Qua đó, ông Nguyễn Phú Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) lý giải, vụ việc kéo dài là do chủ tàu chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp hồ sơ tàu để công ty giám định, đánh giá nguyên nhân tổn thất.

Hiện Công ty đã yêu cầu phía Công ty giám định SICO làm rõ một số nội dung trong biên bản giám định để ra biên bản cuối cùng. Ngay khi nhận được biên bản giám định cuối cùng, trong vòng 15 ngày làm việc, Công ty sẽ có thông báo kết quả cuối cùng về việc giải quyết sự cố này cho chủ tàu…/.

>> Quảng Trị đẩy nhanh lắp thiết bị giám sát tàu cá dài trên 24m

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục