Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Bài 1 – Hệ lụy tiềm ẩn

10:08' - 02/05/2017
BNEWS Đất dịch vụ được hiểu là Nhà nước dành lại một phần nhỏ diện tích trả cho người dân sau khi đã nhận tiền đền bù thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Khi có đất dịch vụ người dân có thể sản xuất, kinh doanh xây dựng nhà ở nhằm ổn định sinh kế. Ý nghĩa xã hội của đất dịch vụ nhân văn là vậy, nhưng do nhiều nguyên nhân mà tình trạng giao đất dịch vụ ở thành phố Hà Nội lại diễn ra rất chậm, kéo dài nhiều năm khiến nhiều người dân gặp không ít khó khăn, phát sinh hệ lụy.

Để thấy rõ hơn về thực trạng cũng như giải pháp về việc giao đất dịch vụ ở Hà Nội, TTXVN xin giới thiệu loạt bài “Chậm giao đất dịch vụ tại Hà Nội”.

Bài 1 – Hệ lụy tiềm ẩn

Công tác giao đất dịch vụ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội ngay sau thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008), liên quan đến quyền lợi của hơn 66.000 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại 590 dự án.

Tuy nhiên, sau gần 9 năm triển khai thực hiện với rất nhiều lần “chốt” thời hạn hoàn thành, tiến độ cấp đất dịch vụ để “trả nợ” nhân dân vẫn còn rất chậm, mới đạt gần 49% trên tổng nhu cầu cần giao, dẫn đến nhiều bức xúc, khiếu kiện, tiềm ẩn nhiều hệ lụy làm mất an ninh trật tự của một số địa phương.

Mỏi mòn chờ đất dịch vụ

Ghi nhận thực tế tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh cho thấy, người dân nơi đây đang rất bức xúc đối với các cấp chính quyền và doanh nghiệp do chậm được nhận đất dịch vụ. Đã có nhiều đơn thư kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền từ địa phương lên thành phố, Trung ương.

Và sau rất nhiều năm mong đợi, những khó khăn, vướng mắc tại địa phương này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tình trạng giao đất dịch vụ tại Hà Nội diễn ra vẫn rất chậm. Ảnh minh họa: TTXVN

Là hộ gia đình dành gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho dự án công nghiệp vào tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2004, bà Đào Thị Duyên ở xã Tiền Phong được đề bù khoảng hơn trăm triệu thời điểm đó. Có tiền bà chia cho các con, kinh doanh buôn bán, xây dựng nhà cửa.

Nhưng do không còn đất nông nghiệp để sản xuất, nên càng về già cuộc sống của gia đình bà càng khó khăn. Hiện bà đã hơn 70 tuổi vẫn phải nuôi hơn chục con lợn để lấy tiền sinh sống.

Nói trong tiếng thở dài bà Duyên chia sẻ: Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Nhà nước nhưng hơn chục năm nay tôi vẫn chưa nhận được đất dịch vụ để có thể bán hoặc chia cho con cái. Trường hợp tôi không còn nữa, nếu được chia đất dịch vụ, các con tôi cũng khó xử.

Cho biết thêm về tình hình các hộ dân sau khi mất đất cho dự án công nghiệp nhưng chưa nhận được đất dịch vụ, Bà Duyên nói, nhiều gia đình trong thôn, sau khi có tiền đền bù, con cái ăn tiêu nghiện hút, giờ kinh tế kiệt quệ vì không có nguồn thu nên sinh ra nhiều chuyện đau lòng.

Đại diện cho gần 900 hộ dân trên địa bàn xã có đất bị thu hồi để xây dựng Dự án Làng Hoa – Tiền Phong, bà Đào Thị Duyên nhiều lần đề nghị chính quyền xã trong khi chưa có quỹ đất giao cho dân phải tiến hành trước việc kê khai chi tiết diện tích đất quỹ 1 và tính cụ thể diện tích đất dịch vụ được hưởng đến từng hộ. “Có như thế, tôi có chết mới yên tâm”, bà Duyên ngậm ngùi nói.

Cùng chung tâm trạng với bà Duyên, ông Phan Văn Đủ không giấu nổi cảm xúc nóng giận: Tại sao hơn 1 năm nay thành phố chưa chấp thuận đề xuất của chủ đầu tư Dự án Làng hoa dùng 2 khu đất thương phẩm với tổng diện tích 10.329m2 để trả đất dịch vụ cho dân.

“Nếu chưa giao đất dịch vụ, người dân sẽ không cho doanh nghiệp thi công và thực tế này đã xảy ra khi doanh nghiệp tổ chức thi công”, ông Đủ thẳng thắn nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Trần Văn Trung, hiện tổng nhu cầu đất dịch vụ trên địa bàn xã là 8,4ha, trong đó, dự kiến quỹ đất thương phẩm của các dự án đô thị là 5,31ha và quy hoạch mới khoảng 8ha để làm quỹ đất dịch vụ cho nhân dân.

Hay cũng trên địa bàn huyện Mê Linh, thị trấn Chi Đông có 1.196 hộ dân có đất bị thu hồi nhưng đến nay cũng chưa có quỹ đất để trả cho dân. Huyện đã đề nghị thành phố thu hồi diện tích 6,8ha quỹ đất thương phẩm của dự án Vinaconex 9 để bàn giao cho địa phương xây dựng hạ tầng để trả đất dịch vụ cho dân nhưng hơn 1 năm nay, dự án này vẫn đang chờ điều chỉnh nên chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng…

Bất cập về chính sách

Là một trong những địa phương có nhu cầu lớn về đất dịch vụ (khoảng 69ha tại thời điểm còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), ngay sau khi sáp nhập về Thủ đô, để giảm áp lực về trả đất dịch vụ cho người dân, UBND huyện Mê Linh đã chủ động làm việc với các chủ đầu tư dự án để thực hiện trả đất dịch vụ bằng tiền, không trả bằng đất theo Nghị định 69/CP của Chính phủ và Quyết định 108/QĐ- UBND của Hà Nội.

Kết quả đã có 18 dự án được điều chỉnh giá bồi thường, chi trả đất dịch vụ bằng tiền, tương ứng khoảng 10,6ha đất dịch vụ liên quan đến trên 4.400 hộ dân. Đối với 19 dự án khác được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt phương án bồi thường trước ngày 1/8/2008 (với khoảng 37 ha đất dịch vụ), nhưng các dự án này chưa chi trả tiền đền bù, huyện đã yêu cầu khi tiếp tục giải phóng mặt bằng phải điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường theo chính sách hiện hành để “triệt tiêu” quỹ đất dịch vụ.

Mặc dù vậy, tính đến ngày 30/6/2016, trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn cần 26,8ha đất dịch vụ để giao cho 8.038 hộ gia đình, chủ yếu tập trung ở địa bàn 6 xã và thị trấn có các dự án đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Trong đó, trước thời điểm có Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB của tỉnh Vĩnh Phúc (từ 15/10/1993 đến ngày 21/7/2004) có 6.186 hộ dân có nhu cầu giao đất dịch vụ, với tổng diện tích 20ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài, tại thời điểm trên, UBND thành phố Hà Nội chỉ chấp thuận giải quyết giao đất dịch vụ cho 1.649 hộ dân với diện tích 11,5ha ở thị trấn Quang Minh, xã Chi Đông; phần lớn là các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án trước thời điểm Quyết định 2502/2004/QĐ-UB có hiệu lực thi hành.

Còn từ thời điểm Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB của tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính Phủ có 1.600 hộ dân có nhu cầu đất dịch vụ, với diện tích 5,8ha. Theo đó, thành phố đã chấp thuận giao đất dịch vụ cho 255 hộ, với 1,1ha tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh.

Thời điểm sau khi có Nghị định số 17/2006/NĐ - CP đến Nghị định số 69/2009/NĐ - CP có 252 hộ dân, với diện tích 1,0ha tại xã Tiền Phong và xã Thanh Lâm.

Như vậy, tính đến tháng 4/2017, tổng số hộ còn lại phải giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện là 6.134 hộ, với tổng diện tích 14,2ha chưa được thành phố đồng ý chủ trương.

Ông Hoài cho biết, cái khó đối với huyện Mê Linh hiện nay là thành phố chỉ đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại Văn bản số 859/UBND – ĐT ngày 2/3/2017) chấp thuận chủ trương giao đất dịch vụ cho 1.600 hộ với diện tích 5,8ha, còn thiếu 4.534 hộ dân, với diện tích 8,4ha trước thời điểm Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND và sau thời điểm Nghị định số 17/2006/NĐ - CP.

“Đây là một trong những tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện ở huyện và thành phố, do các hộ dân đã bị thu đất nông nghiệp đã bàn giao đất cho Nhà nước để thực hiện các dự án từ trước khi sáp nhập về Hà Nội nhưng chưa được giao đất dịch vụ theo chính sách của Vĩnh Phúc”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, theo Văn bản 470/CV-TNMT ngày 31/8/2004 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc thì thời điểm thu hồi đất được tính giao đất dịch vụ là từ ngày 15/10/1993 đến ngày 22/7/2004.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo công bằng, tránh khiếu kiện đông người, gây phức tạp tình hình an ninh chính trị tại địa phương, huyện Mê Linh đề xuất UBND thành phố chấp thuận về chính sách giao đất dịch vụ đối với các hộ dân đáp ứng đủ điều kiện giai đoạn trước Nghị định số 17/2006/NĐ-CP, đồng thời cho phép được gộp chính sách đất dịch vụ của Vĩnh Phúc và Chính phủ. Cụ thể, áp dụng từ thời điểm năm 1993 đến ngày 1/10/2009 (ngày Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực), đối với các hộ có đất bị thu hồi trên 30% tổng diện tích được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP đối với các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn.

Về quỹ đất để giao đất dịch vụ, huyện đề nghị thành phố thu hồi và giao các khu đất thương phẩm tại 15 dự án cho huyện giải phóng mặt bằng dứt điểm, xây dựng hạ tầng tối thiểu và quy hoạch bổ sung đất tại xã Tiền Phong và các xã liên quan để giao đất dịch vụ cho nhân dân./.

(còn tiếp bài 2)

>>> Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp-Bài 2: Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận đất đai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục