Chậm triển khai Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

20:26' - 26/10/2016
BNEWS Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết khi các đơn vị tự chủ ngân sách, ngân sách Nhà nước sẽ được cơ cấu lại, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khó khăn như lĩnh vực y tế.
Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh. mof.gov.vn
Chiều 26/10, tại buổi họp báo về đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những mục tiêu của đổi mới cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập là thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công. 

Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/ NĐ-CP (Nghị định 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 2/2015. Từ đây các Bộ quản lý ngành căn cứ vào nghị định khung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. 

Nghị định số 16 gồm 3 chương, 24 điều, quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. 

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, do đơn vị sự nghiệp được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường. 

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá; đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và thu nhập của người dân (đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). 

Để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định quy định căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. 

Nghị định 16 đến nay đã ban hành 1,5 năm song theo ông Phạm Văn Trường thì quá trình triển khai Nghị định chậm so với lộ trình. Theo kế hoạch trong quý 4 năm 2015, các Bộ, ngành đã phải phải ban hành nghị định chuyên ngành nhưng tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 nghị định chuyên ngành được ban hành, vẫn còn 5 nghị định chưa ban hành. Trong đó chỉ mới có 4 Bộ, bao gồm Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ dự thảo nghị định, còn một lĩnh vực chưa trình Chính phủ dự thảo Nghị định. 

Lý giải nguyên nhân kéo dài thời gian tự chủ về ngân sách, ông Phạm Văn Trường cho biết, Nghị định 16 thay đổi căn bản phương thức tự chủ đầu tư ngân sách với lĩnh vực dịch vụ công, mà việc mới bao giờ cũng gặp vướng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành triển khai thận trọng trong văn bản hướng dẫn và một số đơn vị có tâm lý chưa sẵn sàng, vẫn mong ngân sách hỗ trợ. 

Ông Trường chia sẻ thêm, khi các đơn vị tự chủ ngân sách, ngân sách Nhà nước sẽ được cơ cấu lại, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khó khăn như lĩnh vực y tế. Tổng chi ngân sách nhà nước với các lĩnh vực không giảm, nhưng cơ cấu ngân sách Nhà nước có thay đổi, thay vì chi trực tiếp đơn vị sự nghiệp công, hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách công, đối tượng chính sách nghèo, người có công, vùng sâu xa khó khăn thì nay dịch chuyển sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, nghĩa là sẽ thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục