Chặng đường gian nan sắp tới của kinh tế Mỹ
Kinh tế rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, doanh nghiệp phá sản hàng loạt...
Dù cho chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều biện pháp chưa có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế, song diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đang "thử thách" sức bật của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra cuộc bỏ phiếu sớm ở một số bang và chỉ còn chưa đến ba tháng là đến ngày bầu cử chính thức Tổng thống Mỹ.
* Kinh tế ngày càng trượt dốc Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 32,9% trong quý II/2020, xóa sạch thành quả tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2005 và ghi dấu mức tồi tệ nhất tính từ năm 1947.Nguyên nhân được cho là do chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ - đã sụt tới 34% trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I và chính thức rơi vào suy thoái do COVID-19, khép lại giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ (11 năm).
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dịch COVID-19 chính là mối đe dọa lớn nhất của nền kinh tế Mỹ hiện nay. Tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng thua lỗ tài chính của các doanh nghiệp nhỏ.Mỹ đã không thể tránh được kịch bản xấu này dù cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có "bơm" hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế hay hạ lãi suất xuống mức gần 0% và Chính phủ Mỹ đã tung ra các gói cứu trợ vài nghìn tỷ USD.
Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm 20,8 triệu việc làm trong tháng Tư và mới chỉ khôi phục khoảng 7,5 triệu việc làm trong hai tháng Năm và Sáu, khi nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Một báo cáo khác của Fed cho thấy tính cả quý II/2020 - thời điểm mà dịch COVID-19 bùng phát dữ dội - sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm theo quý lớn nhất đối với lĩnh vực công nghiệp của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo giảm tới 47% trong cả quý II. *Triển vọng khó đoán định Theo tờ Washington Post, triển vọng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn sẽ không có nhiều tín hiệu khả quan qua các dự báo của giới phân tích. Các Thống đốc bang đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi mở cửa trở lại một phần nền kinh tế.Mặc dù giải pháp này là cần thiết và phù hợp để đối phó với đại dịch, song trên phương diện kinh tế, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng mà theo dự báo có thể lên tới 50%. Đây là hệ lụy từng xảy ra trong thời kỳ Đại Suy Thoái, song không kéo dài.
Theo dự báo Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed, GDP của Mỹ có thể giảm tới 6,5% trong năm 2020, sau đó bật tăng trở lại 5% vào năm 2021 và 3,5% trong năm 2020. Những diễn biến trong thời điểm hiện nay cho thấy dự báo này là hoàn toàn có cơ sở.
Giới phân tích cho rằng, trong các chỉ số chi phối đến triển vọng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức báo động là mối quan ngại lớn đối với Chính phủ.Tỷ lệ thất nghiệp trung bình được dự báo là 9,3% trong năm 2020, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu do Fed đề ra, và có thể ở mức 6,5% trong năm 2021, 5,5% trong năm 2022. Tỷ lệ này đã tăng lên mức kỷ lục 14,7% vào tháng 4/2020, và hơn 20 triệu lao động đã mất việc do đại dịch.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp thực tế còn phải kể đến những trường hợp bán thất nghiệp, hay còn gọi là tình trạng người lao động vẫn có việc làm nhưng không làm hết năng suất. Do đó, con số thất nghiệp thậm chí còn có thể cao hơn nhiều so với tỷ lệ công bố.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo kinh tế Mỹ có thể suy giảm 38%, số người thất nghiệp có thể lên tới 26 triệu. Tình hình của quý III/2020 có thể được cải thiện, song không đủ để bù đắp những thiệt hại trước đó. Những hệ lụy tiêu cực sẽ lan sang quý IV/2021, với sản lượng kinh tế thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Glassdoor, ông Daniel Zhao nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến những bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế đang chậm lại, tình hình vẫn thay đổi đáng kể, thậm chí dường như xu hướng tăng trưởng đi ngang sẽ diễn ra, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục trong tình trạng đình đốn.Trong khi hàng triệu người dân Mỹ vẫn đang thất nghiệp, nhiều người lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp tạm thời có thể trở thành vĩnh viễn nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Một nghiên cứu mới đây của California Policy Lab cho thấy có tới 57% số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại bang này kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, và những người này sau đó tiếp tục mất việc hoặc bị cắt giảm giờ làm.
Giáo sư kinh tế Till von Wachter thuộc Đại học California nhấn mạnh làn sóng thất nghiệp thứ hai tập trung vào lĩnh vực khách sạn, giải trí, bán lẻ, các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe. Những đối tượng chịu tác động của làn sóng này gồm phụ nữ, người lao động trẻ, được đào tạo ở trình độ thấp, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và gốc Phi.
Nhà kinh tế Chris Rupkey, thuộc MUFG có trụ sở ở New York, cảnh báo số liệu về tình trạng thất nghiệp là một dấu hiệu đáng ngại giữa lúc nhiều người Mỹ không thể quay trở lại làm việc sau khi nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá vào đầu năm nay. Hiện các nghị sĩ Mỹ đang đàm phán về một gói kích thích mới lên tới hàng nghìn tỷ USD hết sức cần thiết cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số yếu tố khác cũng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế Mỹ là chỉ số lạm phát và giá dầu. Một mặt, lạm phát sẽ ở mức 0,8% trong năm 2020, tăng lên 1,6% trong năm 2021 và 1,7% trong năm 2022. Fed thường dùng lạm phát lõi (không tính biến động của giá thực phẩm và năng lượng) làm cơ sở để hoạch định chính sách tiền tệ.Trong năm 2020, tỷ lệ lạm phát lõi sẽ ở mức trung bình 1%, 1,5% trong năm 2021 và, 1,7% trong năm 2022, thấp hơn tỷ lệ lạm phát lõi mục tiêu của Fed là 2%. Về triển vọng giá dầu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô sẽ ở mức trung bình là 34 USD/thùng vào năm 2020 và 48 USD/thùng vào năm 2021.
Như vậy, về cơ bản, giới chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong phục hồi kinh tế. Tiến trình này gắn liền với việc mở trở lại theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng mở cửa trở lại cũng đang đồng nghĩa với việc khiến làn sóng lây nhiễm COVID-19 bùng phát trở lại, thậm chí làn sóng thứ hai còn nguy hiểm và trầm trọng hơn so với làn sóng thứ nhất.Điều này đặt ra một vấn đề nan giải đối với Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay, đó là làm thế nào để vừa tiếp tục tiến hành mở cửa trở lại, vừa ngăn chặn được làn sóng lây lan dịch bệnh. Câu trả lời dường như tập trung vào tiến trình nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19. Có thể nói đây là giải pháp duy nhất có thể giúp Mỹ giải quyết được phần nào những vấn đề gai góc hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Bế tắc trong gói kích thích mới có thể gây thêm khó khăn cho kinh tế Mỹ
15:31' - 14/08/2020
Việc Chính phủ Mỹ không đạt được sự thống nhất về gói kích thích kinh tế mới có thể làm “đảo ngược” hiệu quả của các gói kích thích trước đó.
-
Ý kiến và Bình luận
Fed: Các nỗ lực chống COVID không nhất quán sẽ kéo dài suy thoái kinh tế Mỹ
10:54' - 13/08/2020
Theo một quan chức cấp cao của Fed, các nỗ lực không nhất quán trong ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan của các bang tại Mỹ có thể sẽ kéo dài cuộc suy thoái kinh tế.
-
Ý kiến và Bình luận
Quan chức Mỹ phản bác nhận định của IMF triển vọng kinh tế Mỹ
14:51' - 11/08/2020
Đại diện của Mỹ trong Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Mark Rosen ngày 10/8 cho rằng những đánh giá của tổ chức này về tình hình kinh tế Mỹ là "quá tiêu cực”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Giá hàng xuất xưởng của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong sáu tháng
15:44'
Giá hàng hóa xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 4/2025 đã giảm mạnh nhất trong vòng sáu tháng, trong khi giá tiêu dùng cũng ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp.
-
Kinh tế Thế giới
Pakistan mở lại toàn bộ không phận
10:38'
Ngày 10/5, Chính phủ Pakistan thông báo sẽ mở lại toàn bộ không phận cho tất cả các chuyến bay.
-
Kinh tế Thế giới
Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
10:37'
Bnews điểm lại nhiều sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua.
-
Kinh tế Thế giới
Danh sách các nước được ưu tiên trong đàm phán thương mại với Mỹ
09:15'
Theo các nguồn thạo tin, nhóm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập danh sách khoảng 20 đối tác làm trọng tâm cho những cuộc đàm phán ban đầu.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Mỹ - Trung khởi động đàm phán thương mại
19:27' - 10/05/2025
Ngày 10/5, Mỹ và Trung Quốc đã khởi động cuộc họp cấp cao về các vấn đề kinh tế và thương mại tại Geneva, Thụy Sĩ
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ đồng ý tăng thuế người giàu
18:31' - 10/05/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 (theo giờ địa phương) tuyên bố ông ủng hộ việc tăng thuế đối với nhóm người giàu có, đồng thời cảnh báo những hậu quả chính trị của việc này.
-
Kinh tế Thế giới
S&P tiếp tục đánh giá triển vọng tiêu cực đối với nền kinh tế Israel
16:21' - 10/05/2025
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) ngày 10/5 công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm A/A-1 đối với Israel– mức đã bị hạ hai lần trong năm 2024.
-
Kinh tế Thế giới
Đàm phán Mỹ-Trung: Bước đầu cho đình chiến thương mại
13:50' - 10/05/2025
Ngày 10/5, Trung Quốc và Mỹ khởi động cuộc họp quan trọng đầu tiên nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tiềm năng tại Thụy Sỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ sẽ duy trì mức thuế quan cơ bản 10% dù đạt thỏa thuận thương mại
10:10' - 10/05/2025
Ông Trump cũng cho biết thêm rằng các nước có thể được miễn trừ khi đưa ra các điều khoản thương mại quan trọng.