Bế tắc trong gói kích thích mới có thể gây thêm khó khăn cho kinh tế Mỹ

15:31' - 14/08/2020
BNEWS Việc Chính phủ Mỹ không đạt được sự thống nhất về gói kích thích kinh tế mới có thể làm “đảo ngược” hiệu quả của các gói kích thích trước đó.

Theo một nghiên cứu mới được công bố, việc Chính phủ Mỹ không đạt được sự thống  nhất về gói kích thích kinh tế mới có thể làm “đảo ngược” hiệu quả của các gói kích thích trước đó và làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế do các biện pháp phong tỏa hây ra.

Nghiên cứu trên do Sherman Robinson, thành viên cấp cao không thường trực tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) và Raul Hinojosa-Ojeda, Giám đốc điều hành Trung tâm Hội nhập và Phát triển Bắc Mỹ của UCLA thực hiện.

Hai chuyên gia này cho biết nếu các khoản viện trợ trực tiếp cho các hộ gia đình giảm khoảng 500 tỷ USD, tác động sẽ là “suy thoái sâu hơn”, dự kiến GDP sụt giảm 3,8-5% và tỷ lệ thất nghiệp tăng 4-5%.

Theo hai chuyên gia này, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ít nhất nên duy trì các mức hỗ trợ trước đó để ngăn chặn thiệt hại kinh tế “phát sinh thêm”. Họ lập luận: Trong tình trạng kinh tế sụt giảm hiện nay, giảm/ngừng kích thích là một lựa chọn chính sách tồi.

Các nghị sỹ đảng Dân chủ đã công bố đề xuất gói cứu trợ trị giá 3.000 tỷ USD hồi tháng Năm, song không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, vào cuối tháng 7/2020, các nghị sỹ đảng Cộng hòa đề xuất gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD, chỉ vài ngày trước khi chương trình trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần hết hạn.

Các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không đạt kết quả trong tuần trước, khi hai bên đều đổ lỗi cho nhau khiến gói cứu trợ “giậm chân tại chỗ”.

Trong một nỗ lực nhằm "né" Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp để gia hạn một số biện pháp cứu trợ kinh tế liên quan COVID-19, song điều này không có khả năng tạo ra một sự thúc đẩy có ý nghĩa cho nền kinh tế nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục