Chất xúc tác thúc đẩy xu hướng di dời sản xuất của các công ty Trung Quốc (Phần 2)

06:30' - 23/09/2018
BNEWS Trên thực tế, xu hướng di dời sản xuất sang nước khác không phải là mới đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Công nhân sản xuất thép ống ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh thị trường lao động trong nước bão hòa, giá nhân công địa phương tăng, các quy định về chuẩn mực môi trường bị thắt chặt hơn, công nghiệp Trung Quốc nói chung đã tìm đường di dời một phần sản xuất sang nước khác, chủ yếu là trong khu vực Đông Nam Á.

Trước cuộc chiến thương mại, đã có nhiều công ty đa quốc gia như Hasbro (chuyên về đồ chơi), Olympus (máy ảnh) hay Decker (giày dép) đã di rời nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc. Giờ đây, các công ty của Trung Quốc theo chân các công ty trên ra đi.

Một ví dụ khác được hãng tin AFP dẫn chứng là công ty Hailide New Material của Trung Quốc, có nhà máy lớn đóng ở Chiết Giang, chuyên sản xuất sợi công nghiệp chủ yếu để xuất khẩu sang Mỹ.

Tháng trước, lãnh đạo tập đoàn này đã thông báo với các cổ đông rằng “hiện tại, chúng ta sản xuất toàn bộ tại Trung Quốc. Để tránh rủi ro từ các biện pháp chống phá giá và bị đánh thuế cao, sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định xây dựng một nhà máy tại Việt Nam”.

Để thực hiện dự án này, tập đoàn đã bỏ ra khoản đầu tư 155 triệu USD. Nhà máy mới ở Việt Nam giúp tăng 50% sản lượng của công ty, sẽ được dùng như là cơ sở xuất hàng sang Mỹ.

Còn nhiều ví dụ tương tự. Đó là một công ty chuyên về may mặc chuyển sang đóng ở Myanmar, một nhà sản xuất đệm giường vừa khánh thành xưởng sản xuất ở Thái Lan, một nhà chế tạo động cơ vừa mua một nhà máy ở Mexico... 

Trong khi đó, Linglong Tyre tận dụng nguồn tín dụng rẻ đã xây dựng một nhà máy làm lốp xe hơi với giá trị đầu tư gần 1 tỷ USD tại Serbia, ngay cửa ngõ vào Liên minh châu Âu (EU). Tập đoàn cho rằng xây nhà máy ở nước ngoài giúp họ có tăng trưởng gián tiếp nhờ tránh được hàng rào thương mại.

Trở lại với mặt hàng xe đạp. Ngành công nghiệp này từ lâu  đã không còn đặt trong tâm vào Trung Quốc và họ đã triển khai di dời sản xuất sang Việt Nam. Giải thích với hãng tin AFP, Alex Lee - phụ trách bán hàng quốc tế của hãng HL Corp - nói: Các loại xe đạp “sản xuất tại Vietnam” sẽ không bị áp thuế chống phá giá của Mỹ cũng như của châu Âu, giá nhân công địa phương thấp hơn Trung Quốc. 

Xe đạp điện Trung Quốc là đối tượng của thuế quan Mỹ cũng như châu Âu. Từ tháng 7/2018, châu Âu đã áp dụng thuế chống phá giá tăng từ 24% lên 84% đánh vào mặt hàng này vì cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc được nhà nước trợ giá cho vật liệu nhôm sản xuất xe. 

Thế nhưng, HL quả quyết vẫn tiếp tục hưởng hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc ngay cả sau khi đã dời một phần sản xuất ra nước ngoài. HL đã chuyển sang Việt Nam sản xuất các chi tiết thuộc xe đạp bằng nhôm.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cho đến lúc này dường như không có dấu hiệu đình chiến, mà thậm chí có chiều hướng phát triển thành cuộc chiến tổng lực không thể dự báo bên nào thắng, bên nào thua. Điều có thể thấy trước mắt là tác động của cuộc chiến này không chỉ giới hạn ở hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục