Châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại hơn 500 tỷ USD do thiên tai

13:14' - 29/10/2015
BNEWS Thống kê cho thấy trong một thập niên qua châu Á - Thái Bình Dương đã phải hứng chịu 1.625 vụ thiên tai - chiếm hơn 40% tổng số vụ trên toàn cầu - khiến nửa triệu người bị thiệt mạng.
Cảnh ngập lụt do nước sông Yamuna dâng cao tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: THX-TTXVN

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phải "đón tiếp" nhiều thiên tai nhất trên trên thế giới. Nhận định này được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Liên hợp quốc.

Thống kê của ESCAP cho thấy trong một thập niên qua châu Á - Thái Bình Dương đã phải hứng chịu 1.625 vụ thiên tai - chiếm hơn 40% tổng số vụ trên toàn cầu - khiến nửa triệu người bị thiệt mạng.

Cũng trong thời gian này, thiên tai khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế hơn 500 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng thiệt hại do thiên tai trên toàn cầu.

Báo cáo có tên "Những thảm họa không biên giới" cảnh báo bên cạnh những mối đe dọa truyền thống từ thiên nhiên, khu vực còn đang phải đương đầu với những mối đe dọa mới bắt nguồn từ thực tế là sự tăng trưởng kinh tế, dân số ngày một đông, các thành phố "phình to" đang tàn phá môi trường.

Báo cáo cũng nêu bật những mô hình hợp tác thành công của khu vực trong việc đối phó với thiên tai thảm họa, như chia sẻ công nghệ, thông tin và kỹ năng phòng ngừa thiên tai.

Tuy nhiên, khu vực vẫn còn một số lĩnh vực hợp tác còn lỏng lẻo, nhất là trong việc đối phó với những trận lụt và lở đất xuyên biên giới.

Theo báo cáo, đầu tư vào việc giảm bớt nguy cơ xảy ra thiên tai tuy rất tốn kém, song đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực còn lơ là công tác khống chế thiên tai, dẫn đến hậu quả là người dân, hạ tầng cơ sở và nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những thảm họa tự nhiên.

Chẳng hạn như, hạn hán - "căn bệnh" thiên nhiên lâu nay bị khu vực coi nhẹ - đang đẩy rất nhiều người vào cảnh nợ nần, nghèo đói cùng cực.

Báo cáo cũng phác thảo một lộ trình, trong đó việc giảm bớt nguy cơ thảm họa thiên nhiên phải được đưa vào những kế hoạch phát triển bền vững, chính sách và ngân sách của các quốc gia.

Minh Nga (P/v TTXVN tại New York)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục