Châu Phi đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine phòng COVID-19

08:46' - 13/01/2021
BNEWS Dự kiến, Liên minh châu Phi (AU) sẽ tiếp nhận 300 triệu liều vaccine trên vào cuối quý I tới và sau đó sẽ phân phối tới 54 quốc gia trong châu lục.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, châu Phi vừa đạt được thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ COVAX - cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng COVID-19 do WHO khởi xướng nhằm huy động nguồn kinh phí sản xuất và phân phối vaccine cho các nước nghèo.

Phát biểu trước báo giới hôm 12/1 tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, cố vấn cao cấp của Trung tâm ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) CNicaise Ndembi cho biết theo dự kiến, Liên minh châu Phi (AU) sẽ tiếp nhận 300 triệu liều vaccine trên vào cuối quý I tới và sau đó sẽ phân phối tới 54 quốc gia trong châu lục.

Dự kiến, trong ngày 13/1, Chủ tịch AU đồng thời là Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ chính thức công bố kế hoạch tiếp nhận và phân phối lô vaccine này. Theo kế hoạch, châu lục 1,3 tỷ dân sẽ tiếp nhận tổng cộng 600 triệu liều vaccine từ COVAX.

Tính đến hết ngày 12/1, châu Phi ghi nhận 3.081.881 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó bao gồm 73.423 trường hợp tử vong. Phần lớn 54 quốc gia trong châu lục đều đang ở giai đoạn làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19, trong đó Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.259.748 người mắc COVID-19 và 34.334 ca tử vong.

Ngày 12/1, Viện Butantan thuộc bang Sao Paulo của Brazil cho biết kết quả chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac của Trung Quốc tại quốc gia Nam Mỹ này cho hiệu quả chung khoảng 50,38%, sau khi đã được thực hiện đối với các chuyên gia y tế có tiếp xúc trực tiếp với SARS-CoV-2.

Viện Butantan, đơn vị phối hợp với tập đoàn Sinovac của Trung Quốc để thử nghiệm và sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng tái khẳng định thông báo cách đây một tuần về hiệu quả lên tới 78% của loại CoronaVac đối với các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ là những người không phải nhập viện, và 100% đối với những người bị nặng.

Giám đốc Viện Butantan, ông Dimas Covas khẳng định trong quá trình thử nghiệm lâm sàng tại Brazil không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan tới vaccine, cũng như không gây ra hiện tượng dị ứng đáng kể nào.

Ông khẳng định loại vaccine này an toàn, hiệu quả và bảo đảm tất cả những yêu cầu để có thể được đưa vào sử dụng một cách khẩn cấp.

Hồi tuần trước, Viện Butantan đã đệ trình lên Cơ quan kiểm soát dịch tễ Brazil (Anvisa) đề nghị cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời chính thức.

Theo thông kê, đến nay Brazil đã ghi nhận hơn 8 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có khoảng 203.000 ca tử vong, và là nước bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin.

Ngày 12/1, Chính phủ Peru cho biết sẽ thanh toán khoảng 26 triệu USD để mua 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của tập đoàn Sinopharm, như là một phần trong thỏa thuận rộng hơn với công ty của Trung Quốc này nhằm cung cấp 38 triệu liều cho chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Theo số liệu tạm thời của công ty, loại vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm nghiên cứu và sản xuất có hiệu quả khoảng 79,34% và đã được Trung Quốc cấp phép sử dụng hồi cuối tháng 12.

Hồi tuần trước Tổng thống Fracisco Sagasti thông báo đã đạt được thỏa thuận với Sinopharm về việc cung cấp lo vaccine đầu tiên trong tháng 1, song sau đó có nguồn tin cho rằng lô hàng này có thể phải chậm lại tới đầu tháng 2.

Ngoài ra, chính phủ Peru hiện cũng đang đàm phán với khoảng 10 công ty dược phẩm để mua vaccine sau khi đã chuẩn bị một khoản ngân sách khoảng 2,7 tỷ USD cho năm 2021 để mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình tiêm chủng quốc gia và một số chi phí khác trong khuôn khổ chiến lược khẩn cấp dịch tễ quốc gia.

Theo thông kê chính thức, đến nay Peru đã ghi nhận 1,37 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 38.000 ca tử vong./.

>>Canada chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine cho nước khác

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục