“Chạy nước rút” trong vòng 7 tái đàm phán NAFTA (Phần 2)

06:30' - 05/03/2018
BNEWS Dự kiến tại vòng đàm phán thứ 7 này, vấn đề về quy tắc xuất xứ ôtô sẽ được đưa ra bàn thảo ở cấp trưởng đoàn đàm phán.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại buổi họp báo chung về tái đàm phán NAFTA. Ảnh: Trường Giang-TTXVN

Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được tiến bộ ở cấp này, kết quả cuối cùng vẫn sẽ là một câu hỏi lớn trước một tổng thống rất khó đoán như Donald Trump. Greenwood cảnh báo: “Ông ấy có thể ném bất cứ thứ gì qua cửa sổ”.

Vòng 7 tái đàm phán NAFTA sẽ kết thúc chỉ vài ngày trước khi Canada và Mexico tham gia lễ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Santiago (Chile) vào ngày 8/3. Vì thế, những áp lực từ CPTPP sẽ tác động phần nào đến tiến trình tái đàm phán NAFTA đang diễn ra, và ngược lại.

Nhiều nguồn tin tại Canada và Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét khả năng tham gia trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ý định này vừa được 25 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hoà gửi thư ủng hộ vào cuối tuần trước với lý do gia tăng tiếp cận thị trường và khu vực có dân số lên tới gần 500 triệu người có thể tạo ra các lợi ích lan tỏa cho kinh tế Mỹ.

Bức thư còn chỉ rõ việc tham gia TPP sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu nhập của người lao động, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và giải phóng tiềm năng của ngành năng lượng Mỹ.

Trong khi đó, một nhân vật chính trị “cỡ bự” mới đang dần xuất hiện trong tương lai của NAFTA. Andres Manuel Lopez Obrador (hay còn gọi là AMLO) hồi tuần trước đã chính thức được chọn vào vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena) trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 1/7 tới tại Mexico, và ngay lập tức trở thành người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò hàng tháng.

Ông AMLO, 64 tuổi, được miêu tả là một chính trị gia cánh tả “lão làng”, theo chủ nghĩa dân túy và dân tộc, một đối tác, hay đối trọng của Mexico với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Và trong bối cảnh Chính quyền Donald Trump dường như đang đi ngược lại với lời đe dọa rút khỏi NAFTA, chính là ông AMLO, người từng về nhì tại hai cuộc bỏ phiếu tổng thống và cũng là cựu thị trưởng thủ đô Mexico City, có thể tạo ra một tinh thần đặc biệt cho các mối quan hệ thương mại trong bối cảnh việc tái đàm phán NAFTA sắp vượt quá thời gian cho phép.

Lopez Obrador đã bị cộng đồng doanh nghiệp và những người ủng hộ NAFTA coi là một "mối đe dọa đối với Mexico" vì những chính sách kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc và phương châm dân túy của ông, đó là: "Vì lợi ích của tất cả, người nghèo được ưu tiên trước".

Ông Lopez Obrador có thể có những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa giống với Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders, nhưng ông cũng chia sẻ niềm yêu thích tranh cãi chính trị với ông Trump, vốn có thể khiến NAFTA bị mắc kẹt giữa hai làn đạn nếu cuộc chạm chán này xảy ra ở cấp độ tổng thống.

Ứng cử viên này đã đưa ra một số đề xuất quan trọng của mình hồi tuần trước sau khi nhận được đề cử của đảng Morena và hai đảng nhỏ khác.

Các đề xuất bao gồm việc bán máy bay của tổng thống và đưa chính phủ lên một nền tảng mới, thúc đẩy đầu tư trong và nước ngoài, trợ cấp cho nông dân thông qua mức giá được bảo đảm, và chấm dứt việc nhập khẩu dầu hỏa và dầu diesel, chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ.

Các cố vấn của ông AMLO đã tìm cách trấn an cộng đồng tài chính rằng lời kêu gọi tự cung tự cấp lương thực ở Mexico và việc xem xét sự tham gia của nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng mà ông đưa ra sẽ không dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ.

Trên thực tế, ông Obrador đã hạ thấp giọng điệu chống thương mại truyền thống và chống Mỹ của mình khi ông cố gắng vươn lên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông thậm chí còn khẳng định ông muốn thương lượng lại NAFTA.

Tuy nhiên, cả giới phân tích và cộng đồng doanh nghiệp đều không mấy bị thuyết phục bởi xu hướng ôn hòa của ông, cả về tính khí lẫn các vấn đề chính sách. Nếu ông Lopez Obrador là một ứng cử viên hay thay đổi, hai đối thủ chính của ông cũng có quan điểm chống Trump trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ được coi là sự đặt cược an toàn của giới kinh doanh.

Hai người này bao gồm Jose Antonio Meade, cựu Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Cách mạng Thể chế (IRP) cầm quyền, ủng hộ thương mại tự do và đầu tư nước ngoài, và Ricardo Anaya của đảng Hành động Quốc gia (NAP). Ông Anaya đang xếp ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò ở những tuần gần đây, trong khi ông Meade đang dần bị lu mờ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục