Chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính nhà nước - Cần được đơn giản hóa

14:10' - 20/09/2016
BNEWS Chính các cơ quan hành chính nhà nước cũng hết sức quan tâm đến vấn đề là làm sao để không tự “hành” mình và “hành” lẫn nhau bởi "gánh nặng" thủ tục.

Lâu nay, câu chuyện cải cách thủ tục hành chính vẫn luôn được người dân, doanh nghiệp hết sức quan tâm, làm sao để người dân, doanh nghiệp không còn bị làm khó bởi những quy định, thủ tục hành chính rườm rà.

Ở một khía cạnh khác, chính các cơ quan hành chính nhà nước cũng hết sức quan tâm vấn đề này, làm sao để không tự “hành” mình và “hành” lẫn nhau bởi "gánh nặng" thủ tục.

Gánh nặng báo cáo

Một năm, thời gian dành cho báo cáo chiếm từ 25% đến trên 26% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ. Đây là con số “giật mình” đã được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đưa ra trong một cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ cách đây ít lâu.

Gánh nặng báo cáo đang ngốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và nhân lực của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý, quy mô, vùng miền… mà số lượng báo cáo phải thực hiện giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương hết sức khác nhau về số lượng, loại báo cáo.

Làm sao để không tự “hành” mình và “hành” lẫn nhau bởi "gánh nặng" thủ tục. Ảnh minh họa: TTXVN

Con số tổng hợp của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho thấy trong năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải thực hiện hơn 2 triệu báo cáo.

Bộ Tài chính thực hiện 192 báo cáo, trong đó 9% là báo cáo thống kê, 55% báo cáo định kỳ, 45% báo cáo chuyên đề và đột xuất.

Con số này ở Bộ Công Thương là 265, 18%, 52%, 48%; Thành phố Hồ Chí Minh là 1940, 9%, 55%, 45%; Đắk Lắk là 1255, 5%, 36%, 64%; Lạng Sơn là 1947, 18%, 54%, 46%.

Nhìn chung, tỷ lệ báo cáo thống kê trong tổng số báo cáo phải thực hiện năm 2015 trong khoảng từ 5%–18%; tỷ lệ báo cáo định kỳ trong khoảng từ 50%–55%.

Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện: 198 báo cáo. Đối với địa phương, bình quân tổng lượng báo cáo một địa phương phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với tần suất khác nhau. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo; cấp huyện 534 báo cáo; cấp xã 138 báo cáo.

Thời gian các cơ quan phải thực hiện chế độ báo cáo rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm nghìn giờ làm việc. Ước tính thời gian trung bình để thực hiện chế độ báo cáo trong tổng số thời gian làm việc của cấp bộ, ngành là 25,04%, cấp địa phương (chia trung bình các cấp tỉnh, huyện, xã trong cả nước) là 26,12%.

Để thực hiện chế độ báo cáo, tỉnh Thái Bình đã phải sử dụng 244.729 giờ làm việc; tỉnh Cà Mau sử dụng 131.813 giờ làm việc; tỉnh An Giang sử dụng 117.262 giờ làm việc.

Đi liền với những tốn kém về thời gian, công sức là những tốn kém không nhỏ về tiền bạc mà những chi phí có thể nhìn rõ nhất, đó là chi phí văn phòng và cước phí bưu chính.

Nhiều hệ lụy từ gánh nặng báo cáo

Có thể thừa nhận những kết quả tích cực do công tác báo cáo mang lại, đó là đã tạo ra một nguồn thông tin tổng hợp đồ sộ, đa dạng, phục vụ hiệu quả cho hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.

Song, không phải mọi báo cáo đều mang lại kết quả tích cực. Số lượng báo cáo trong cơ quan hành chính nhà nước hiện quá nhiều, kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước.

Việc phải thực hiện nhiều báo cáo như vậy trên thực tế gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bố trí cán bộ thực hiện. Trốn tránh làm báo cáo hay làm qua loa, đại khái, làm cho có báo cáo không phải là việc ngoại lệ.

Do việc quy định chế độ báo cáo có số lượng nhiều, thiếu thống nhất, đồng bộ của các cơ quan, người có thẩm quyền, đã dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo về tiến độ thực hiện, sự đầy đủ và chính xác của nội dung báo cáo.

Trên thực tế, có những văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ báo cáo nhưng hầu hết các bộ, ngành, địa phương không thực hiện; nhiều báo cáo không kịp thời, đúng hạn định do chủ yếu gửi – nhận báo cáo bằng bản giấy nên mất rất nhiều thời gian; cán bộ công chức, đặc biệt là cấp xã, phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên nhiều khi không đủ thời gian để thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin và xây dựng báo cáo, dẫn đến báo cáo không bảo đảm chất lượng, tiến độ…

Cũng theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, công chức tư pháp cấp xã thường có khoảng 1 – 2 người, ngoài việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chuyên môn với khối lượng công việc rất lớn thì hàng năm, trung bình phải thực hiện 31 báo cáo định kỳ, chuyên đề với 54 mẫu biểu kèm theo.

Việc quy định về chế độ báo cáo hiện nay nhìn chung chưa có tính hệ thống, thống nhất. Các yêu cầu báo cáo không chỉ được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật mà còn được ghi nhận ở các văn bản hành chính thông thường. Tỷ lệ yêu cầu báo cáo quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chỉ chiếm khoảng 8% tổng số văn bản yêu cầu báo cáo.

Chất lượng nhiều quy định về chế độ báo cáo không cao, thiếu rõ ràng, thể hiện sự tùy tiện trong việc đặt ra yêu cầu báo cáo, gây không ít khó khăn, lúng túng trong việc tổng hợp số liệu, thông tin báo cáo; đồng thời dẫn đến sự không đồng bộ, tương thích số liệu để phục vụ cho công tác phân tích, nhận định, đánh giá về tình hình, kết quả hoạt động của các lĩnh vực có liên quan.

Kết quả khảo sát tại 6 địa phương gồm Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Phú Yên và Hải Phòng cho thấy, 100% địa phương được khảo sát đều cho rằng khối lượng báo cáo hàng năm đơn vị phải thực hiện quá nhiều, chiếm rất nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ, tạo “gánh nặng” rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị.

Giảm gánh nặng báo cáo là mong mỏi của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng, của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung.

Một hội thảo được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/9 tới sẽ góp phần tìm ra lời giải thỏa đáng cho vấn đề này, để làm sao, nguồn thông tin vẫn được tổng hợp đầy đủ, kịp thời nhưng số lượng và thời gian dành cho báo cáo giảm đến mức thấp nhất.

Đây cũng là dịp để Bộ Tư pháp tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các đối tượng liên quan để hoàn thiện Đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 225/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục